Tết cận kề, những người lính ở Đồn Biên phòng Sơn Hồng (BĐBP Hà Tĩnh) miệt mài thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới. Đường hành quân lắm nẻo gian lao, đong đầy vất vả nhưng cũng rất đỗi vinh quang.
Nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ tuần tra, Thiếu úy Nguyễn Trọng Pháp – Đội trưởng Đội Vũ Trang Đồn Biên phòng Sơn Hồng (làm tổ trưởng) cùng 6 CBCS được giao nhiệm vụ tuần tra đường biên giới gấp rút chuẩn bị. Mọi người nhanh chóng tiếp nhận súng, đạn dược, bao xe, la bàn, bản đồ, đèn pin và các loại trang bị, công cụ hỗ trợ khác.
Ngoài lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phầm cần thiết thì trong ba lô của mỗi chiến sỹ tham gia tham gia thực hiện nhiệm vụ đều phải chuẩn bị đầy đủ quân, tư trang như quần áo, tăng võng, bát đũa, bi đông đựng nước, bàn chải, kem đánh răng, thuốc diệt côn trùng...
Công tác chuẩn bị xong xuôi, Tổ trưởng Tổ tuần tra tiến hành việc kiểm tra trang bị vũ khí, quán triệt mệnh lệnh hành quân, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc tuần tra. Trước lúc lên đường, các thành viên trong tổ tuần tra cũng được giao rõ vị trí, nhiệm vụ trong quá trình tuần tra, trong đó quan trọng nhất là quan sát, cảnh giới địch cả 4 phía khi di chuyển.
Những bước chân mạnh mẽ, vững chãi lúc xuất quân đã thể hiện quyết tâm, lòng tự hào, trách nhiệm của những người lính với biên giới quê hương và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Súng trên tay, ba lô trên vai, tư tưởng luôn kiên định... họ lên đường với quyết tâm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từng giờ, từng ngày, những người lính biên phòng lặng lẽ lội suối, băng rừng để kiểm tra, kiểm soát toàn bộ 5 cột mốc, 5 cọc dấu và hơn 15 km đường biên giới. Bao ngọn núi cao, những vực sâu, dốc đứng... đều lần lượt bị những đôi chân rắn chắc của người lính kiên trung khuất phục.
Để hoàn thành nhiệm vụ, họ phải vượt qua khoảng 60 km đường rừng trong 5 ngày 3 đêm, phải ăn uống tạm bợ nhiều bữa trong rừng. Vì vậy, trên chặng đường hành quân, những người lính chăm chỉ sẽ tranh thủ tìm hoa chuối, hái thêm rau rừng để bữa cơm đạm bạc có thêm rau xanh.
Tiết trời cuối đông, giữa rừng già rất nhanh tối nên toàn đội phải sớm chọn vị trí nghỉ ngơi qua đêm. Không chút chậm trễ, mỗi người một việc, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là đi kiếm củi khô để về nấu ăn và đốt xuyên đêm để xua giá rét, đuổi muỗi, côn trùng.
Tại điểm dừng chân, một số người có kinh nghiệm nhanh chóng tìm kiếm, lựa chọn vị trí thuận lợi, phát quang cây cối, dọn dẹp thực bì (để xua đuổi muỗi, vắt và các loại côn trùng độc hại) trước khi mắc tăng võng. Trong đợt tuần tra cuối năm này, toàn đội sẽ có 3 đêm ngủ lại giữa rừng già và họ sẽ phải thay phiên nhau thức, ngủ.
Ở khu bếp tạm bợ trên đường hành quân, những “anh nuôi” chỉ cần xuống suối lựa 3 cục đá lớn, kê chụm vào nhau là có thể nhóm lửa thổi cơm, nấu canh.
Trong lúc chờ cơm chín, những người đồng đội ngồi quây quần quanh bếp lửa cho đỡ giá lạnh và chia nhau miếng lương khô, ngụm nước. Họ còn kể cho nhau nghe những mẫu chuyện vui để đồng đội vui cười, làm vơi bớt nỗi mệt nhọc sau một ngày hành quân.
Dù màn đêm đã buông xuống, rừng già đầy tĩnh mịch, tiếng côn trùng rả rích khắp nơi nhưng trước lúc đi ngủ, tổ tuần tra vẫn phải lên đường tuần tra, kiểm tra các vị trí xung yếu, dễ có đối tượng xấu xâm nhập. Họ sẵn sàng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống của mình”.
Mọi dấu vết trên đường tuần tra đêm đều được cả tổ kiểm tra, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Qua đó đưa ra kết luận và có hướng hành động phù hợp, quyết tâm không cho bọn tội phạm cùng các đối tượng xấu vượt biên trái phép.
Qua đêm giữa rừng già, những người lính lại tiếp tục hành quân nhanh trong buổi sáng để kịp đến kiểm tra cọc dấu 464/1 lúc gần trưa. Khi thực hiện nghi thức chào cột mốc linh thiêng, binh nhất Phạm Quốc Tuấn đầy xúc động: Đây là lần đầu tiên tôi được đến cột mốc này nên có cảm giác rất thiêng thiêng, lâng lâng khó tả. Vì vậy, dẫu vất vả, gian khó, hiểm nguy thì tôi cùng đồng đội cũng sẽ quyết tâm bảo vệ, giữ gìn.
Khi đã thực hiện xong các nghi thức, đội tuần tra bố trí đội hình cảnh giới để tổ trưởng kiểm tra hiện trạng cột mốc, dấu vết đường biên. Tất cả các phương hướng đều được quan sát kỹ để tránh kẻ địch tấn công bất ngờ.
Tổ tuần ta cũng đã gặp gỡ, trao đổi với anh Xi Tha ở bản Nậm On 1, huyện Xay Chăm Phon (tỉnh Bolikhămxay) về việc không qua lại biên giới trái phép, không để trâu bò đi sâu sang lãnh thổ Việt Nam, có ý thức bảo vệ đường biên và cột mốc chung, không được tiếp tay cho người lạ qua lại biên giới và giữ gìn mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với cư dân thôn 11 (xã Sơn Hồng).
Khi nhiệm vụ tại cọc dấu 464/1 đã hoàn thành, những người lính tuần tra lại vội vã lên đường đến các đoạn biên giới, cột mốc, cọc dấu xa hơn theo kế hoạch hành quân và trở về đơn vị theo lịch trình đã được phê duyệt. Màu xanh áo lính lại tiếp tục hòa lẫn trong sắc xanh của núi rừng, tình yêu biên cương của họ lại được tiếp tục khẳng định qua những bước hành quân...
Trong giai đoạn cao điểm này, công tác tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Dẫu gian khó, vất vả, nguy hiểm nhưng chúng tôi quyết không lùi bước. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, đảm bảo ANBG, đấu tranh với các loại tội phạm, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, hỗ trợ cư dân biên giới qua lại
Trung tá Nguyễn Công Hường - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Hồng