Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang, kiều bào tại Canada, thành viên Ban Lãnh đạo Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam, là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hỗ trợ xúc tiến thương mại và giáo dục tại Việt Nam. Đặc biệt, bà đã thực hiện hai công trình nghiên cứu lớn, đó là hai cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính giới, nhân dân Canada và cộng đồng NVNONN đón nhận và đánh giá cao.
Tiến sỹ Đài Trang tặng sách về Bác Hồ cho ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội |
Sinh năm 1970 tại Huế, năm 1990, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang sang định cư tại Canada. Bà từng là giảng viên Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Toronto, Khoa Nhân văn tại Đại học Toronto Scarborough và hiện nay là giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh tại Trường Cao đẳng Centennial. Trong nhiều năm qua, tuy sinh sống và làm việc ở nước ngoài, bà vẫn một lòng hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực nhất.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại và các hoạt động xã hội
Tuy đã định cư tại Canada từ năm 1990, nhưng Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cho quê hương. Trong nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam luôn là lĩnh vực bà quan tâm, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào thu nhập thấp. Năm 1996, bà trở về Việt Nam trực tiếp tham gia vào các dự án xóa đói, giảm nghèo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) tài trợ.
Với tư cách là tư vấn cho Liên hợp quốc về Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam và là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại trường Đại học British Columbia (Canada), Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang đã xây dựng và tham gia nhiều chương trình, dự án hoạt động xã hội có liên quan đến xóa đói, giảm nghèo và vấn đề bảo vệ phụ nữ tại Việt Nam.
Năm 1997, cùng các giáo sư, giảng viên và sinh viên trường Đại học British Columbia (Canada), trong vòng hai tháng, bà đã có chuyến đi khảo sát hơn 20 tỉnh, thành tại Việt Nam, đặc biệt là những nơi đời sống còn khó khăn. Ngay sau chuyến thực tế này, Tiến sỹ Đài Trang đã viết bản báo cáo đầu tiên về phát triển con người của Việt Nam và kiến nghị nhiều biện pháp xóa đói, giảm nghèo, trong đó, bà đặc biệt lưu ý đến vấn đề phụ nữ và trẻ em tại các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1998, bà tham gia Hội thảo nâng cao năng lực giảm nghèo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, phối hợp với 5 trường đại học tại Việt Nam là: Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với mục đích định hướng, xây dựng các biện pháp và hỗ trợ thích hợp để đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Trong quá trình nghiên cứu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang suy nghĩ muốn đưa người dân thoát nghèo thì bên cạnh các biện pháp hỗ trợ, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thúc đẩy ý thức vượt khó, tự vươn lên của người nghèo, theo phương châm hỗ trợ “con cá” lúc khó khăn ban đầu, tiếp đó là “cần câu” để chính người dân tự vươn lên thoát nghèo. Bà tâm niệm rằng để có thể đóng góp thiết thực, giúp đỡ cho đất nước thì ngoài tham gia các hoạt động xã hội, bà mong muốn góp một phần sức nhỏ của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế cho đất nước.
Bởi vậy, bằng kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực ngoại thương, tháng 9/2010, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang chính thức tham gia và là một trong ba thành viên của Ban Lãnh đạo Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam. Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và các cơ quan quản lý thương mại của hai nước, Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam đã thực hiện và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giữa chính quyền và doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Canada như: tháng 5/2011, tổ chức Hội thảo "Diễn đàn thương mại và đầu tư Canada-Việt Nam" tại thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada; tháng 9/2015, tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Nhìn về phía trước: Cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu" tại tỉnh Ontario, Canada;… Hầu hết các hoạt động của Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam đều được các cơ quan chính quyền về thương mại, xuất nhập khẩu tại Canada đánh giá cao, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác.
Thông qua Hội đồng Thương mại này, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang thực hiện vai trò làm cầu nối xúc tiến thương mại, tổ chức các chuyến đi tìm hiểu thực tế thị trường, tổ chức các hội thảo, tọa đàm liên kết giữa các công ty từ hai nước có cùng nhu cầu và mục tiêu kinh doanh có thể hợp tác làm ăn.
Vì những đóng góp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, năm 2013, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang đã vinh dự nhận Bằng khen Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu do Bộ Công thương trao tặng.
Tiễn sỹ Đài Trang tặng sách cho các chiến sỹ bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn |
Một tấm lòng với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang còn được nhiều người biết đến khi là người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên viết và xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói về lý do chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho việc nghiên cứu và viết cuốn sách đầu tiên trong đời, Nguyễn Đài Trang cho biết: “Từ lâu, tôi đã luôn tâm niệm và mong muốn làm rõ quá trình lịch sử của dân tộc mình. Vì vậy, tôi đọc nhiều sách về khoa học phát triển, trong đó có nhiều sách nói về chiến tranh Việt Nam và về Hồ Chí Minh. Kể từ khi định cư tại Canada, tôi nhận ra rằng báo chí phương Tây và đặc biệt là cộng đồng NVNONN có nhiều quan điểm khác nhau về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, hơn 15 năm qua, tôi đi tìm câu trả lời qua việc nghiên cứu, tìm hiểu và giảng dạy về lịch sử và nhân văn. Từ đó tôi hiểu rõ hơn về Việt Nam, và hơn hết tôi đã nhận ra khía cạnh nhân bản cũng như chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đến năm 2009, Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang quyết định tập hợp những kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong hơn 15 nghiên cứu và sưu tầm để ra mắt cuốn “Hồ Chí Minh: Tâm và Tài của một nhà yêu nước” (xuất bản tháng 5/2010). Cuốn sách chủ yếu nói về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội thời bấy giờ, trọng tâm cuốn sách nói về Tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về ý định ra đi tìm đường cứu nước, lòng quyết tâm, ý chí của Người trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc, đất nước, con người. Đó không chỉ là quyết tâm giải phóng cho con người Việt Nam mà là mong muốn giải phóng cho con người các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Trước khi xuất bản tại Việt Nam, cuốn sách được xuất bản tại Canada bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Theo tác giả chia sẻ: Bản thảo tiếng Anh được viết dựa trên những trải nghiệm và kiến thức mà bà học hỏi được trong suốt 20 năm qua. Còn bản tiếng Việt, bà viết bằng tấm lòng của một người con yêu nước, là sự khát khao tìm hiểu về cội nguồn và là tiếng nói đoàn kết vì sự phát triển và vững mạnh của dân tộc.
Sau đó, bà tiếp tục dành ba năm tập trung nghiên cứu về vấn đề phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cho ra mắt cuốn sách thứ hai “Hồ Chí Minh: Nhân văn và Phát triển” (xuất bản năm 2013). Cuốn thứ hai đào sâu hơn về khía cạnh Tài của Hồ Chí Minh, giúp mọi người tìm hiểu rõ hơn về tư tưởng của Người; về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người, hướng tới độc lập, tự do, hạnh phúc; về các chính sách đảm bảo công bằng xã hội, xây dựng nhân lực, tiến tới phát triển bền vững, như vấn đề bình đẳng nam nữ và bảo vệ môi trường. Qua đó, cuốn sách này khẳng định sự đóng góp, cống hiến của Hồ Chí Minh đối với dân tộc, đất nước và nhân loại.
Với lời văn giản dị, cách diễn đạt ngắn gọn, tư liệu phong phú, hình ảnh độc đáo, thể hiện tâm huyết, sự công phu và cách phân tích dựa trên tư duy logic, cả hai cuốn sách của bà đã được chính giới, nhân dân Canada và cộng đồng NVNONN đón nhận và đánh giá cao. Cuốn sách không chỉ là cảm nhận riêng của một trí thức Việt kiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn đóng góp vào kho tàng những tác phẩm giàu tính học thuật về cuộc đời và sự nghiệp cao cả của Người.
Có thể nói, những giá trị nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đài Trang đã góp phần giúp người nước ngoài và NVNONN hiểu thêm và hiểu đúng hơn về thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam; qua đó góp phần giúp cho NVNONN và người nước ngoài hiểu sâu hơn về đất nước và con người Việt Nam, về công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.