(Baohatinh.vn) - Mùa xuân 2020 đã về với quê hương núi Tùng, sông La, ngọn nguồn sinh ra người con anh hùng của Hà Tĩnh với câu nói nổi tiếng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. 90 mùa xuân Đảng đồng hành cùng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi nô lệ, lầm than, nhân dân ấm no, hạnh phúc, chúng ta càng tự hào và biết ơn công lao của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Từ thanh niên yêu nước đến chiến sĩ cộng sản
Khi đất nước chìm trong nô lệ, người con sông La nhìn dân nuốt lệ…(*). Dẫu không sinh ra trên đất Hà Tĩnh nhưng khí chất của con người và vùng đất kiên trung đã được trao truyền vào tâm hồn, phẩm chất của Trần Phú từ nhỏ.
Thuở ấu thơ chịu cảnh mồ côi cả cha mẹ, lại chứng kiến tận mắt sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến với đồng bào và cuộc sống cực khổ của người lao động nên Trần Phú đã quyết chí, tự lực vươn lên trong học tập và đã đến với các tổ chức yêu nước, phong trào cách mạng. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở trường Quốc học Huế năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên trường Cao Xuân Dục - thành phố Vinh (Nghệ An). Tại Vinh, Trần Phú đã tham gia Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) rồi Tân Việt cách mạng đảng, một tổ chức của những trí thức yêu nước, tham gia nhiều phong trào cách mạng và mở các lớp dạy quốc ngữ cho công nhân, nông dân và những người nghèo khổ.
Tổng bí thư Trần Phú
Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Phú là việc đồng chí cùng các hội viên Hội Hưng Nam sang Quảng Châu (Trung Quốc) để đề nghị với Nguyễn Ái Quốc hợp nhất Hội Hưng Nam vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã được gặp Nguyễn Ái Quốc, được tham dự lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Trần Phú đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, một tổ chức nòng cốt của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1927, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông và được cử làm Bí thư Chi bộ nhóm Cộng sản Việt Nam tại trường.
Luận cương chính trị 1930, nền tảng lý luận của Đảng
Đầu năm 1930, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, đến tháng 7/1930 được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị. Đến tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì đã thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương và trong hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh dâng hoa trước tượng đài Tổng Bí thư Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh PV
“Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những vấn đề cơ bản về cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nêu lên trong Luận cương thể hiện sự vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa, tiếp thu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam đã được nêu lên trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930” (**)
Trong bài viết “Luận cương chính trị tháng 10/1930, bảy mươi tư năm nhìn lại”, PGS-TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nhận định: “Nhìn chung, Luận cương chính trị đã khẳng định lại nhiều vấn đề cơ bản thuộc về chiến lược cách mạng ở nước ta mà Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã nêu lên, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là sau khi làm cách mạng tư sản dân quyền (tức cách mạng dân tộc dân chủ) thắng lợi, tiếp tục thẳng tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa… Thành tựu lớn nhất mà cách mạng Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Luận cương chính trị là lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội đã trở thành lẽ sống chi phối tình cảm, ý nghĩ và hành động của nhân dân ta. Đó cũng là quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng ta trong công cuộc đổi mới”.
Đảng bộ Hà Tĩnh “giữ vững chí khí chiến đấu”
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng phong phú, sôi nổi và để lại những bài học to lớn cho Đảng ta. Lý tưởng, lẽ sống của đồng chí là không tiếc tuổi xuân và xương máu, hiến dâng trọn đời cho Đảng, cho dân tộc. Trong những ngày tháng lao tù khổ ải, đồng chí nêu tấm gương kiên trung, bất khuất, không khuất phục kẻ thù. Lời trăng trối cuối cùng của đồng chí với bạn tù: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” đã trở thành lời kêu gọi, thúc giục toàn Đảng, toàn dân Việt Nam suốt 90 năm qua vượt bao gian khổ, hy sinh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Hà Tĩnh, quê hương của đồng chí Trần Phú là miền quê văn hóa và cách mạng. 90 năm qua, tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng của các đảng viên kiên trung, với trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, chí khí chiến đấu, niềm tin sắt son, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền, lật đổ chế độ phong kiến. Hà Tĩnh là tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước và trong kháng chiến chống Pháp không để thực dân Pháp đứng chân nổi một giờ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam.
TP Hà Tĩnh nổi bật với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Bước vào thời kỳ đổi mới, với chí khí, quyết tâm không khuất phục đói nghèo, thỏa nguyện ước của linh hồn Tổng Bí thư Trần Phú và các anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, từng bước xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển.
Mùa xuân này, đất nước, quê hương hòa chung niềm vui Đảng kính yêu tròn 90 tuổi. Miền quê núi Hồng, sông La lại tự hào vang lên bài ca ơn Đảng, nhớ ơn người con anh hùng của quê hương yêu dấu. Trong rì rào tiếng gió Quần Hội, trong tiếng sóng ru vỗ dòng La, nghe ngân vọng lời của Anh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới để vững tin đi tiếp cuộc hành trình.
------
(*) Lời bài hát “Người con sông La” của nhạc sĩ Quốc Nam
(**) Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - trang 8)