Với gần 1.000 ha và hướng đi liên kết đầy chiến lược, chè Hà Tĩnh trở thành điểm sáng trên bản đồ chè của cả nước nhiều năm lại nay. Ngoài các thị trường truyền thống từ Trung Đông, chè Hà Tĩnh đang mở rộng 1và nhận được những đơn hàng đầu tiên từ châu Âu. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, người nông dân, doanh nghiệp sản xuất chè Hà Tĩnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng nhập cuộc.
Liên kết là “nguồn sống”
Công ty CP Chè Hà Tĩnh hiện có 3 vùng nguyên liệu tập trung tại Hương Khê, Hương Sơn và Kỳ Anh. Trong đó, diện tích của công ty là khoảng 550 ha, liên kết sản xuất với các hộ dân gần 150 ha. Các vùng này được thực hiện trên cơ sở liên kết với các hộ trồng chè theo chuỗi giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Theo đó, công ty và các xí nghiệp thành viên đầu tư toàn bộ giống, phân bón, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất và thu mua sản phẩm theo giá thị trường cho bà con.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế và khối Pháp ngữ Canada Marie Claude Bibeau thăm mô hình sản xuất chè tại Kỳ Anh. Ảnh: Thế Công |
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn cho biết: “Trong 15 năm liên kết, giá chè búp tươi năm sau đều cao hơn năm trước, chưa có lần nào giảm giá và chưa xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Gần đây nhất, ở Nghệ An, giá chè chỉ ở mức 3.000-4.000 đồng/kg nhưng xí nghiệp vẫn thu mua cho các hộ liên kết với giá 7.000 đồng/kg”. Ngoài vấn đề về giá, quan trọng hơn, liên kết sản xuất là vấn đề sống còn, “vòng kim cô” hướng người trồng chè sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được chuỗi để có sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài học về rời liên kết của một số hộ ở vựa chè Hương Sơn trong thời gian qua là lời cảnh tỉnh thực tế nhất cho kiểu làm ăn chụp giật, thời vụ, không trồng cây mà vẫn… hái lá. Cũng chính từ đây, hiệu quả của sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp với hộ trồng chè được thể hiện rõ với sự an toàn và bền vững. “Giống, phân bón, kỹ thuật đều có công ty hỗ trợ, người dân chỉ việc chăm sóc, thu hái nên không lo khoản vốn đầu tư ban đầu. Nói là vậy, nhưng mỗi người dân cũng phải thực sự dành tâm huyết cho mỗi cây chè để cùng công ty sản xuất ra sản phẩm tốt nhất, năng suất cao nhất” – chị Đinh Thị Phi (thôn Làng Chè - Sơn Kim 2) cho biết.
Chia sẻ về vai trò của mô hình liên kết trong trồng chè, ông Trần Công Lệ - Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh cho biết: “Thị trường các nước nhập khẩu chè ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… Thực tế là một số sản phẩm chè của nước ta bị thu hẹp thị trường do không đáp ứng được những yêu cầu đó. Vậy nên, để thị trường chè phát triển bền vững, nhất thiết phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Năm 2016, công ty tiếp tục mở rộng diện tích liên kết bằng việc trồng mới 94 ha chè công nghiệp…”.
Nhập cuộc vào TPP
Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp và nông dân trồng chè của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bởi hầu hết các nước tham gia TPP đều nhập khẩu chè, chỉ Việt Nam và một vài nước khác là có khả năng xuất khẩu. Đó là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản này.
Để "đón sóng" TPP, công đoạn đóng gói, chế biến đang được Công ty CP Chè Hà Tĩnh chú trọng. Ảnh: Thành Chung |
Cơ hội thường đi kèm với thách thức và thách thức đối với ngành chè Việt Nam nói chung và chè Hà Tĩnh nói riêng khi tham gia thị trường tiềm năng này chính là yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... Vì thế, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU thì cần có sự thay đổi mang tính bền vững về phương thức sản xuất, công nghệ chế biến và hình thức xuất khẩu trong chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu.
“Thực hiện mũi đột phá vào công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật là một trong những bước để đáp ứng những điều kiện cần khi sản phẩm tham gia vào thị trường rộng lớn TPP. Theo đó, xí nghiệp cung ứng toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ liên kết, nghiêm cấm việc tự mua và tự phun, đảm bảo đủ ngày cách ly mới tiến hành thu hái. Các hoạt động này đều được cán bộ quản lý của từng đội theo dõi sát sao và có biện pháp xử lý nếu làm sai quy trình. Đặc biệt, xí nghiệp đang triển khai đề án thành lập tổ phun thuốc tập trung nhằm kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè. Trong điều kiện hộ gia đình không sắp xếp để phun tập trung được, xí nghiệp đã thành lập một đội để phun giúp bà con…”, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn thông tin.
Để sản phẩm chè đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, cần thay đổi phương thức sản xuất, công nghệ chế biến trong chuỗi liên kết. Ảnh: Đậu Bình |
Đặc biệt, tạo vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người trồng chè được xem là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Theo đó, vào đầu mỗi năm, các hộ đều đăng ký chỉ tiêu phấn đấu về sản lượng thu hái, mức độ tuân thủ các quy trình kỹ thuật… để cuối năm nhận thưởng danh hiệu vườn chè “xanh - sạch - đẹp”. Ngoài giá trị tinh thần, mỗi danh hiệu còn được thưởng tiền mặt từ 1-2 triệu đồng nên các hộ rất phấn khởi.
“Để vững vàng bước vào thị trường lớn khi Việt Nam tham gia TPP, Công ty CP Chè Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức sản xuất an toàn, liên kết theo chuỗi giá trị làm cơ sở xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Theo đó, công ty quy hoạch đồng ruộng đúng tiêu chuẩn (đường nội đồng, cây bóng mát…), chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; ưu tiên phân bón hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích, phun tập trung; đổi mới thiết bị, đảm bảo sản xuất theo mẫu khách hàng yêu cầu, tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong kinh doanh. Ngoài ra, công ty đang gấp rút xây dựng nhãn hiệu, đăng ký bản quyền sản phẩm để đủ điều kiện tham gia vào các thị trường khó tính”, ông Trần Công Lệ - Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh chia sẻ thêm.