Quanh khu vực ống xả thải của Formosa, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh quay được hình ảnh có đàn cá nhỏ bơi xung quanh. Nhiều người dân cho hay cá biển ở khu vực vịnh Sơn Dương (thị xã Kỳ Anh) đang có dấu hiệu sinh sôi.
Ngày 23/8, một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh cùng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã đi khảo sát hệ sinh thái ở khu vực vịnh Sơn Dương (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh).
Mục đích của chuyến khảo sát nhằm kiểm tra xem có bất thường gì liên quan nước biển hay không. Đoàn đã cho thợ lặn lặn xuống quanh ống xả thải của Formosa tại vịnh Sơn Dương, ghi hình sinh vật ở độ sâu khoảng 20 m.
Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho VnExpress biết, hình ảnh ghi nhận một đàn cá nhỏ bơi qua đường ống xả thải của Formosa. "Những hình ảnh này chúng tôi phục vụ cho việc kiểm tra thực địa, chứ không phải để nghiên cứu, chứng minh sự sinh sôi nảy nở của các sinh vật biển", vị này nói và cho hay mỗi người có một cách nhìn khác nhau về sự phát triển của cá và các loài sinh vật, bản thân ông không đánh giá, bình luận gì về sự việc trên.
Hình ảnh ghi lại dưới đáy biển Sơn Dương sáng 23/8. |
Ông Nguyễn Văn Phương (43 tuổi), một thợ lặn lâu năm ở thị xã Kỳ Anh cho biết, so với thời điểm xảy ra thảm họa môi trường khiến cá chết không có con cá nào, thì đến nay khu vực cảng Vũng Áng vẫn có cá, mực, tuy nhiên số lượng không nhiều.
"Nếu như ngày xưa có khoảng 10 con, thì bây giờ khoảng được 3 con", ông Phương so sánh. Theo ông, san hô ngày xưa ở khu vực này "như vườn hoa", nhưng giờ thì không có gì nữa.
Chị Liên, một chủ nhà hàng nổi ở cảng Vũng Áng khẳng định có dấu hiệu cá sinh sôi. Xung quanh nhà hàng thời gian qua cũng có rất nhiều đàn cá nhỏ bơi lượn. "Nhiều người đi đánh bắt ở vùng biển Sơn Dương cũng thu được cá, chủ yếu là cá đốm", chị Liên nói.
Trước đó, tại hội thảo công bố đánh giá kết quả hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, G.S.TS Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hệ sinh thái san hô từ chỗ bị hủy diệt hoàn toàn, bị tẩy trắng nay bắt đầu xuất hiện san hô sống, cá con trở về. Điều này cho thấy môi trường hồi phục tốt.
Chất thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá biển chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung từ tháng tư năm nay. Ban lãnh đạo Formosa đã xin lỗi người dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.