Chiều 26/8, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc Thủ tướng Chính phủ trình bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp bất thường lần thứ 8 ngày 26/8, tại Hà Nội. |
Dự lễ khai mạc Kỳ họp có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về phía Quốc hội có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; cùng các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Luật tổ chức Quốc hội; Nội quy Kỳ họp Quốc hội và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trong đó, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung 1 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chiều ngày 26/8, Quốc hội tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và bế mạc Kỳ họp.
* Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 432/432 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,81% tổng số ĐBQH). Như vậy, Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Hòa Bình, ông Hồ Đức Phớc và ông Bùi Thanh Sơn.
* Trước đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 439/439 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,27%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến.
* Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Biên bản kiểm phiếu ngày 26/8/2024, Nghị quyết quyết nghị: phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với: ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 8 năm 2024.
* Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 438/438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,06%). Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí.
Thực hiện nghi thức Tuyên thệ nhậm chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tuyên thuệ nhậm chức. |
Phát biểu nhậm chức, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã phân công và bầu giữ trọng trách Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đây là vinh dự to lớn, cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cảm thấy vui vì nhận nhiệm vụ mới, nhưng cũng trăn trở, suy nghĩ, vì nhận thức đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách phía trước. Đó là phải làm sao giữ được những thành quả của các bậc tiền bối, tiền nhiệm đã gây dựng; đồng thời trước yêu cầu kỷ luật, kỷ cương của Đảng, trước yêu cầu của pháp luật ngày càng cao và sự mong đợi, đòi hỏi của Nhân dân, ngành tòa án làm gì và làm như thế nào để được đa số Nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Đó là nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ sự công bằng, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân.