(Baohatinh.vn) - 70 năm trôi theo dòng thời gian nhưng hào khí của những ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn âm vang, lắng đọng bao cảm xúc trong lòng người. Tự hào về truyền thống “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (*), mỗi người dân Việt Nam hôm nay đang quyết tâm giữ vững nền độc lập đổi bằng xương máu của cha ông, xây dựng đất nước mạnh giàu, tô thắm non sông tươi đẹp.
70 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người con đất Việt, không kể già, trẻ, gái, trai, không phân biệt tôn giáo, đảng phái đã cùng đứng lên đánh thực dân Pháp cứu nước. Thanh niên gia nhập bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu dũng cảm trên các chiến trường Việt Bắc. Không ít người trai Hà Nội đã quyết lên đường "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" (Nguyễn Đình Thi). Người ở nhà vào du kích, tự vệ. Các mẹ, các chị may áo trấn thủ gửi ra sa trường. Dân quân tải lương thực, vũ khí lên chiến trường bằng gồng gánh, xe đạp: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh" (Tố Hữu).
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch của non sông, có giá trị trong mọi thời đại, mọi tình huống
Thủ đô kháng chiến chuyển về Việt Bắc. Cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, một lực lượng rất lớn trí thức, nhà quân sự, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã chịu đựng gian khổ, cống hiến trí tuệ và tài năng cho cuộc kháng chiến như Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… Chín năm kháng chiến gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy hào khí của tinh thần yêu nước, quyết tâm cứu nước, dù phải "hy sinh đến giọt máu cuối cùng"(*). Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ cuối cùng đã đi đến thắng lợi: "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng" (Tố Hữu). Bài hát của Văn Cao diễn tả không khí đoàn quân trở về Hà Nội vào tháng 10/1954 đến nay vẫn còn khơi dậy những xúc cảm tự hào, rung động:
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố…
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở 5 cánh đào…
Bài ca giữ nước đã được viết nên bằng máu, nước mắt, mồ hôi, con tim và khối óc của hàng triệu người Việt Nam. Bài ca ấy có mạch nguồn cảm hứng là ngọn lửa yêu nước hàng ngàn năm của dân tộc. Bác Hồ đã từng viết: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Cũng chính vì vậy mà trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác đã thức dậy dòng chảy yêu nước ấy, quy tụ, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên làn sóng yêu nước mạnh mẽ từ miền xuôi đến miền ngược để làm nên chiến thắng thần kỳ.
Mang âm hưởng hào hùng của bài ca giữ nước trong 9 năm kháng chiến, dân tộc ta lại đi vào cuộc trường chinh 20 năm ròng rã không kém phần gian khổ, hy sinh chống đế quốc Mỹ. Bài ca giữ nước có những nốt trầm lắng lại, bởi nỗi đau chia cắt 2 miền, chia cắt gia đình, khát vọng và tình yêu dang dở. Nhưng hào khí những ngày đánh Mỹ sục sôi trên khắp cả nước đã tạo nên những bản hùng ca đầy chất thép và lãng mạn: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ngày Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước đã hát vang bài ca khải hoàn "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
41 năm đất nước được hòa bình nhưng kẻ thù vẫn chưa thôi lăm le dòm ngó bờ biển. Đón nhận hào khí từ bài ca giữ nước của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mỗi người dân Việt Nam hôm nay đang quyết tâm giữ vững nền độc lập đổi bằng xương máu của cha ông, xây dựng đất nước mạnh giàu, tô thắm non sông tươi đẹp. Bài ca giữ nước hôm nay có dư âm của tiếng sóng cuồn cuộn, có vị mặn của máu người nhuộm nước biển Đông, chất chứa niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc tha thiết của những người lính đảo, của những cán bộ kiểm ngư, cảnh sát biển và những ngư dân đang ngày đêm đối mặt với sóng gió.
Trong trái tim mỗi người Việt Nam đều âm vang tiếng Tổ quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Sóng cuồn cuộn dâng lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau. Nỗi đau ấy không của riêng những người đang sống giữa biển khơi mà của hàng chục triệu người đang đập cùng nhịp đập của trái tim yêu nước.
Yêu nước là bảo vệ đất nước khỏi xâm lăng. Yêu nước còn là góp sức lực, trí tuệ của mình làm cho đất nước giàu mạnh. Những ngày này, trên khắp mọi miền quê đang náo nức kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương, hải đảo, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, tạo đà để bước sang năm 2017 với nhiều thành công mới.
Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và đổi mới, những khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều. Các thế lực phản động, thù địch phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước rất tinh vi và khó nhận diện. Chính vì vậy, kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, mỗi một người dân cần nêu cao tinh thần yêu nước, chung sức, đồng lòng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu, thỏa tâm nguyện của Bác Hồ trước lúc đi xa.
-------------
(*) Trích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến".
h