Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu tham dự buổi tập huấn.
Sáng 23/11, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt kiến trúc Chính quyền điện tử cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Tham dự buổi tập huấn có đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các huyện, thị xã, thành phố. |
Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh quán triệt tinh thần hội nghị
Nhận thức được vai trò và xu thế phát triển Chính phủ điện tử, thời gian qua, nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số được triển khai rộng khắp trong cơ quan Nhà nước các cấp, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Trên cơ sở khung kiến trúc do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam V2.0 và đang tiếp tục hướng tới V3.0
Thạc sỹ Lê Văn Dũng trình bày các nội dung chính hội nghị tập huấn.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được Thạc sỹ Lê Văn Dũng - Chánh Văn phòng Sở Thông tin và Truyền thông trình bày các nội dung cơ bản của kiến trúc Chính quyền điện tử Hà Tĩnh 2.0, những điểm mới và lộ trình ưu tiên triển khai.
Theo đó, kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.
Việc hình thành và triển khai áp dụng hiệu quả, chặt chẽ, đồng bộ kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nội bộ tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của tỉnh, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp; tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai Chính quyền điện tử; căn cứ để định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới một hệ thống quản lý số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh...