Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 13 năm 2022
I. THÔNG BÁO
1. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar thăm chính thức Việt Nam (14 – 15/8/2022)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohamed bin Adulrahman Al-Thaini (Mô-ham-mét bin Áp-đun-ra-man An Tha-ni) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 – 15/8/2022.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Qatar tiếp tục phát triển tích cực. Qatar là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt hơn 400 triệu USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohamed bin Adulrahman Al-Thaini (Mô-ham-mét bin Áp-đun-ra-man An Tha-ni) sẽ chào xã giao Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao, thúc đẩy hợp tác năng lượng, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp và du lịch, cũng như tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế; trao đổi kế hoạch tổ chức 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Qatar (1993 – 2023) và ký kết một số văn bản quan trọng.
2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi (Mu-khờ-ta Ti-le-u-be-đi) sẽ đến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-18/8/2022.
Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Kazakhstan (1992-2022). Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Kazakstan phát triển tốt đẹp; hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao trong thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi (Mu-khờ-ta Ti-le-u-be-đi) sẽ hội kiến với Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
3. Ngày Gia đình ASEAN năm 2022 (Ngày 13/8/2022)
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN, vào sáng thứ 7 ngày 13/8/2022, Bộ Ngoại giao và Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) sẽ phối hợp tổ chức Ngày Gia đình ASEAN năm 2022. Dự kiến hoạt động này sẽ có dự tham gia của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện, cán bộ Đại sứ quán/Phái đoàn của 09 nước ASEAN và 12 Đối tác Đối thoại của ASEAN tại Hà Nội; các thành viên Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội; cán bộ của Bộ Ngoại giao cùng với thành viên của gia đình.
Đây là hoạt động thường niên và đã bị tạm dừng trong 2 năm Covid-19, các hoạt động sẽ được tổ chức trong Ngày Gia đình ASEAN năm nay bao gồm: chương trình đạp xe hữu nghị Trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm đến Nhà làm việc số 2 Lê Quang Đạo; giao lưu trò chơi, văn nghệ và ẩm thực các nước ASEAN và trình diễn trang phục truyền thống các nước ASEAN.
Như tôi nói đây là sự kiện thường niên từ nhiều năm nay nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các nước ASEAN và ASEAN với các đối tác tại Việt Nam, nâng cao nhận thức của công chúng, tăng cường ý thức và bản sắc cộng đồng ASEAN cũng như vai trò của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội.
Chúng tôi thực sự mong muốn đây là ngày hội của các nước ASEAN và đối tác ASEAN tại Hà Nội. Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao đã có thông báo và mời phóng viên trong và ngoài nước đăng ký tham dự đưa tin sự kiện này.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tân Hoa Xã: đề nghị cho biết lập trường của Việt Nam đối với tình hình eo biển Đài Loan hiện nay?
Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tình hình tại eo biển Đài Loan hiện nay. Việt Nam cho rằng hòa bình, ổn định và hợp tác ở eo biển có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Đài Loan là nhất quán, được thể hiện trong các văn kiện chung nhân các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở kiên trì nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
2. Zing: Xin Người phát ngôn cập nhật tình hình xử lý vấn đề một số quốc gia tạm ngừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mới của Việt Nam?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/08/2022, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Đức, Séc và Tây Ban Nha tại Việt Nam trao đổi về việc các quốc gia này tạm dừng cấp thị thực đối với hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam do trang nhân thân của hộ chiếu không chứa thông tin về nơi sinh.
Tại cuộc gặp, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã nêu quan điểm và phương hướng xử lý của Việt Nam đối với vấn đề này; cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đã thống nhất trước mắt sẽ ghi bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mới khi công dân có đề nghị. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam đề nghị các nước phối hợp với Việt Nam trong việc tháo gỡ các khó khăn, sớm cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam.
Chúng tôi cũng hoan nghênh đại diện của các Đại sứ quán Đức, Séc và Tây Ban Nha đã khẳng định sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc trong việc cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam với điều kiện công dân phải cung cấp được thông tin xác minh nơi sinh nhằm hoàn thiện hồ sơ xin cấp thị thực vào các nước trên.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục theo sát vấn đề này, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng sở tại trong việc giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế của công dân Việt Nam.
3. Phoenix TV: Sau chuyến thăm tới Đài Loan của bà Pelosi thì tình hình quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng và nhiều lĩnh vực hợp tác có thể sẽ đóng băng và tình hình này có thể diễn ra trong thời gian dài. Việt Nam có phương án gì để ứng phó không khi đây là hai đối tác lớn ở Việt Nam?
Quan điểm hiện nay của Việt Nam về tình hình eo biển tại Đài Loan hiện nay tôi đã vừa đề cập ở trên.
Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là các cường quốc và những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ hai nước có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam mong muốn hai nước duy trì quan hệ lành mạnh, ổn định, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích của người dân, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
4. Thế giới và Việt Nam: Phản ứng trước việc Hoa Kỳ chính thức bắt đầu điều tra chống lẩn tránh thuế với ống thép Việt Nam?
Trước tiên phải khẳng định là thời gian vừa qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ chứng kiến tiến triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại vượt mốc hơn 110 tỉ USD trong năm 2021.
Với chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư với Hoa Kỳ trên cơ sở tự do, công bằng, cùng có lợi, phù hợp với các thoả thuận song phương và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh và tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư song phương, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước.
Với tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng và mong muốn Hoa Kỳ trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
5. Thông tấn xã: Bình luận về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị nhiều giải pháp phục hồi du lịch thu hút khách du lịch quốc tế như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, ưu tiên các nước EU, Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đón khách quốc tế của Việt Nam chưa được 1 triệu khách trong 7 tháng với mục tiêu cả năm là 5 triệu?
Như các bạn đã biết là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt và vẫn có những diễn biến khó lường với biến chủng virus mới với khả năng lây lan nhanh hơn, truyền bệnh dễ hơn, đồng thời với đó là việc xuất hiện thêm dịch bệnh mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là rất đáng ngại như bệnh đậu mùa khỉ, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa và vẫn hạn chế đi lại, trong đó có các quốc gia và vùng lãnh thổ là thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam. Thêm vào đó là các nền kinh tế trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng sau đại dịch cho nên hoạt động du lịch quốc tế chưa thể phục hồi hoàn toàn như mong muốn. Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới, trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, các cơ quan chức năng trong nước, trao đổi với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài và công dân Việt Nam, ví dụ như việc đẩy mạnh trao đổi, đàm phán công nhận hộ chiếu vắc xin, thúc đẩy ký kết các điều ước quốc tế về xuất nhập cảnh với các nước…
Trên thực tế, Việt Nam là một trong các quốc gia phục hồi chính sách xuất nhập cảnh sớm nhất trên thế giới khi từ 15/3/2022 việc nối lại việc cấp thị thực, chính sách miễn thị thực với các nước. Hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi nhất sau đại dịch Covid-19.
Chúng tôi cho rằng để thực sự thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững ngành du lịch, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh”, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là tận dụng các công nghệ hiện đại với sự đổi mới về các nội dung, thông tin hấp dẫn hơn.
Tôi cho rằng đây cũng là định hướng của Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch trong thời gian tới. Về phần mình ngoài những đóng góp nêu trên thì Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng chính sách xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình mới và quy định hiện hành.
6. Dân Trí: Có thông tin cho rằng hai công dân là Hồ Hoài Anh và Nguyễn Hồng Đăng bị trục xuất về Việt Nam theo yêu cầu của nhà chức trách Tây Ban Nha. Thông tin này có đúng hay không và xin Người phát ngôn cho biết hiện tại các công dân này đang được bảo lãnh hay là bảo hộ như thế nào?
Như chúng tôi đã trả lời ngày 08/8 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã thông tin chính thức cho biết vào ngày 03/8, Tòa án đã trả hộ chiếu cho hai công dân Việt Nam do đã có luật sư người địa phương đại diện liên lạc với toà án. Hai công dân này cũng đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha khẳng định đã rời Tây Ban Nha và tôi thấy báo chí đưa tin họ đã về đến Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo trong thời gian vụ việc vẫn được các cơ quan chức năng sở tại điều tra hay thực hiện các quá trình tố tụng, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước liên quan, đồng thời là cũng sẵn sàng các biện pháp để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam./.