(Baohatinh.vn) - Tổng Bí thư Trường Chinh không chỉ là nhà chính trị, nhà chiến lược lớn mà còn là một nhà lãnh đạo mẫu mực, biết tự phê bình và phê bình, tìm ra những chỗ yếu của mình...
Ông Trường Chinh và ông Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm
Trong bài phát biểu tại hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị ngày 10/7/1986, Trường Chinh đã nêu ra 3 bài học lớn, trong đó, vấn đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng được ông coi là bài học quan trọng nhất - bài học của mọi bài học.
Theo ông, nhờ tự phê bình và phê bình mà Đảng đã vượt qua nhiều sóng gió, trưởng thành vượt bậc, trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công.
Đối với nguyên tắc tự phê bình và phê bình, ông khẳng định: Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là nguyên tắc cơ bản của sinh hoạt dân chủ trong Đảng. Nó giúp cho mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên kiểm tra lại công việc của mình, kiểm điểm lại tư cách, phẩm chất và năng lực làm việc của mình, tiếp cận cái đúng, gạt bỏ cái sai. Điều quan trọng nhất là khi tự phê bình và phê bình, tấm lòng phải trong sáng, trung thực, thẳng thắn, chân thành xây dựng, không mang nặng chủ nghĩa cá nhân, che giấu khuyết điểm, tâng bốc bản thân mình; hoặc mượn dịp phê bình để nịnh bợ cấp trên, đồng thời đả kích, nói xấu đồng chí, đồng nghiệp.
Ông cảnh báo: Tự phê bình và phê bình vốn là một vũ khí để giúp nhau tiến bộ, nhưng nếu xen vào đó chủ nghĩa cá nhân thì nó sẽ là công cụ lợi hại gây tổn thương cho bạn bè, đồng chí và tạo ra nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp, để loại bỏ và triệt hạ nhau, đã có lúc dùng vũ khí phê bình để đánh sập uy tín của nhau. Cho nên, tự phê bình và phê bình mà tâm không sáng, lòng không bao dung thì chuyện không cũng biến thành có, chuyện nhỏ biến thành lớn và cứ thế mà bịa đặt, dựng chuyện để bêu xấu đồng chí, anh em của mình.
Theo Tổng Bí thư Trường Chinh, tự phê bình và phê bình không chỉ tiến hành trong sinh hoạt nội bộ Đảng mà quan trọng hơn là phải gắn chặt với việc giám sát, phê bình của dân. Là đảng cầm quyền, Đảng ta phải chịu trách nhiệm rất lớn trước dân. Dân gắn bó với Đảng, đồng thời yêu cầu Đảng phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của dân. Tăng cường dân chủ trong nội bộ Đảng, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để dân có thể giám sát, phê bình, góp ý với Đảng và Nhà nước. Bằng nhiều hình thức tổ chức thật tốt cho nhân dân góp ý phê bình cán bộ, đảng viên và phê bình tổ chức Đảng; chống thái độ coi thường ý kiến đóng góp của nhân dân và sự trù dập người phê bình, góp ý.
CBCS Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Ông cũng yêu cầu có hình thức tốt cho nhân dân thực hiện giám sát sự tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và của tổ chức Đảng. Sự giám sát của nhân dân là rất quan trọng, vì mọi cán bộ, đảng viên đều sống trong lòng nhân dân, mọi hành động sai trái, tiêu cực đều không thể che được mắt nhân dân. Thực tế, phần lớn các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên đều do nhân dân phát hiện cho Đảng, cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, chống lợi dụng sự giám sát này vào mục đích cá nhân, cơ hội.
Gần 30 năm kể từ ngày Tổng Bí thư Trường Chinh về với “thế giới người hiền” nhưng quan điểm của ông “tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng” vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong lúc Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương đề ra thì đầu tiên là tập trung vào giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là một thứ vũ khí sắc bén, nó giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh thêm. Vì thế, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống dưới và từ dưới lên đúng như Trường Chinh đã từng chỉ dẫn và gương mẫu thực hiện.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta, Trường Chinh đã trở thành nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn, được nhân dân ta và bạn bè thế giới tin yêu, mến phục. Ông đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng phong phú và sâu sắc. Di sản tư tưởng ấy đã trải rộng ra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng và chạy dài theo sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Là một con người luôn luôn nghiêm túc, cẩn trọng, đôn hậu, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng nhân dân, biết gạn lọc và rút ra trong vô số ý kiến đó cái bản chất của sự vật…
Ông không chỉ để lại một di sản tư tưởng quý giá mà còn để lại cho chúng ta một nhân cách lớn - nhân cách Trường Chinh.