Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 342/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thăm và làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác kiểm tra quy trình vận hành hồ sự cố môi trường, hồ chỉ thị sinh học ở Formosa Hà Tĩnh
Ngày 24/7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra và làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp - Formosa Hà Tĩnh (FHS) về dự án Khu liên hợp gang thép. Cùng đi kiểm tra và dự làm việc với Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Báo Nhân dân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Bộ trưởng các bộ: TN&MT, KH&ĐT, NN&PTNT và Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, VH-TT&DL, Xây dựng, Y tế, LĐ-TB&XH, Công an, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình và Bộ Tư lệnh Quân khu IV.
Sau khi kiểm tra thực tế dự án và nghe báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ TN&MT, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Đánh giá chung
Dự án khu liên hợp gang thép của FHS là dự án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về đầu tư tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp thép, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH toàn diện và bảo đảm QPAN.
Tuy nhiên, vừa qua, FHS đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng và đáng tiếc tại Việt Nam. Trước sự cố này, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã khẩn trương, nghiêm túc khắc phục sự cố về môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nhà đầu tư đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường và xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam, đã bồi thường, hỗ trợ cho người dân 4 tỉnh miền Trung; chủ động tích cực khắc phục các lỗi vi phạm, nỗ lực quan tâm đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý môi trường, ứng phó và phòng ngừa sự cố; đặc biệt đã đầu tư bổ sung hệ thống hồ chỉ thị sinh học và ứng phó sự cố; FHS đã mời các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trên thế giới để lập phương án chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô. Hiện nay, nhà đầu tư đã khắc phục được 52/53 số lỗi vi phạm; đã cho ra sản phẩm thép cán nóng đầu tiên trong điều kiện môi trường cơ bản đã được khắc phục.
Đến nay, việc bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân Hà Tĩnh và 3 tỉnh còn lại cơ bản đã được hoàn thành; môi trường nước, hải sản đã an toàn, hoạt động du lịch biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản từng bước được phục hồi, phát triển; tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Để dự án Khu liên hợp Gang thép Formosa hoạt động hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và FHS tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, bổ sung thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ chất thải; lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường. Việc nâng công suất nhà máy phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm môi trường tuyệt đối an toàn, bao gồm môi trường nước, không khí, nước thải, chất thải và sớm có biện pháp xử lý, tái sử dụng chất thải rắn, chất thải công nghiệp của nhà máy. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện năng lực quản lý, vận hành, đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Không an toàn không sản xuất; nếu vi phạm trở lại phải xử lý nghiêm khắc.
Bộ TN&MT chịu trách nhiệm toàn diện việc giám sát môi trường trong vận hành lò cao số 1 và các công trình phụ trợ, bảo đảm an toàn về môi trường và xem xét cho phép vận hành chính thức lò cao số 1 và các công trình phụ trợ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, phối hợp giám sát chặt chẽ về môi trường trong quá trình cho phép vận hành lò cao số 2 cũng như các hoạt động vận hành nhà máy của FHS, thường xuyên kiểm tra, công khai các kết quả môi trường cho nhân dân biết.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan trong việc theo dõi, quan trắc, giám sát hoạt động vận hành và bảo vệ môi trường của FHS; phối hợp với FHS để tạo điều kiện cho các đoàn vào nhà máy giám sát theo quy định của pháp luật; đồng thời, quản lý tốt lao động người nước ngoài, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn ANTT, an toàn xã hội thời gian qua, các tỉnh cần tiếp tục nắm chắc thông tin để tuyên truyền, thuyết phục nhân dân hiểu rõ về sự nỗ lực và kết quả khắc phục sự cố môi trường của FHS, ủng hộ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư không chỉ FHS mà cả các nhà đầu tư khác khi đầu tư vào địa phương mình.
Bộ Y tế công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hải sản các tỉnh đã an toàn, việc tiêu thụ và sử dụng bình thường. Hải sản tầng đáy tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cần được tập trung lấy mẫu phân tích lần cuối cùng và công bố trong vòng 15 ngày kể từ khi thông báo được ban hành để người dân đánh bắt và người sử dụng yên tâm tiêu dùng.
Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai các nội dung của đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái chế, tái sử dụng xỉ thải, tro bay.
Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ đánh giá công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô của FHS, bảo đảm công nghệ chuyển đổi là công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí để triển khai đề án xây dựng hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân biết được kết quả khắc phục sự cố môi trường, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với dự án thép của FHS trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, gắn việc bảo vệ lợi ích các nhà đầu tư với bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích nhân dân trong vùng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương bảo đảm an ninh an toàn trong toàn hệ thống và xử lý nghiêm theo pháp luật các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật để bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Chính phủ tiếp tục phân bổ nguồn lực kịp thời để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, bao gồm cả đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng một cách chặt chẽ, đúng pháp luật.