(Baohatinh.vn) - Sáng 24/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh kiểm tra công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tiếp, làm việc với đoàn.
Theo báo cáo, đến nay Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành công tác kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển đợt 1, hiện đang chỉ đạo tiếp tục bồi thường đợt 2 cho các đối tượng. Cụ thể, toàn tỉnh có 6.489 tàu cá; 1.545 ha nuôi ao, hồ, bãi triều; 27.022 m3 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối; 47.960 lao động bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 1.591 tỷ đồng. Đến ngày 23/3/2017, tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ là 1.091 tỷ đồng; chi trả cho các đối tượng 1.022 tỷ đồng.
Về kết quả kê khai, xác định thiệt hại hải sản tồn kho, tính đến 6/1/2017, toàn tỉnh có 3.732 tấn, trong đó 758 tấn đủ điều kiện làm thực phẩm, 2.973 tấn đã có dấu hiệu khác thường.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn báo cáo tình hình thẩm định, phê duyệt, chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường
Tổng nhu cầu kinh phí để khắc phục sự cố và thực hiện chính sách là 36.432,8 triệu đồng, đến nay, đã chi thực hiện hỗ trợ 28.775,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đã trực tiếp chi từ nguồn ngân sách địa phương 52.947 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như: mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho học sinh vùng ảnh hưởng, hỗ trợ tiền điện, lãi suất vay vốn ngân hàng…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để đoàn công tác xem xét, thống nhất phương án hoặc báo cáo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương sớm xử lý các vướng mắc, khó khăn của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện công tác kiểm kê, chi trả chặt chẽ theo các quy trình, tuy nhiên, hiện nay, từ thực tiễn đã bộc lộ những điểm chưa thể giải quyết được, do đó cần sớm có những giải pháp thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh đề xuất thống nhất các văn bản, nhất là khái niệm đối với thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng của sự cố môi tường biển (bao gồm nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp); có văn bản hướng dẫn về nội dung hóa đơn chứng từ hợp lệ để chi trả cho nhóm nuôi trồng thủy sản và hướng xử lý đối với các cơ sở nuôi thiếu biên bản xác nhận thiệt hại lập tại thời điểm hải sản chết; ban hành hướng dẫn về tiêu chí, quy định cụ thể để xác định danh mục các ngành nghề lao động có tính chất giản đơn, không thường xuyên và có thu nhập chính; hướng dẫn chi trả tiền đối với đối tượng đã đi xuất khẩu lao động; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực tiếp về các các vùng biển để kiểm tra thực tế và giám sát, công bố chất lượng hải sản, có đánh giá khách quan; đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí cho Hà Tĩnh để thực hiện các chính sách…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện chi trả đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương bỏ qua tính chính xác, khách quan trong quá trình kê khai, bồi thường thiệt hại sự cố...
Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác nguồn lợi thủy sản - Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hữu Bình: Đối với hải sản tầng đáy, Bộ NN&PTNT đã cử lực lượng phối hợp hỗ trợ tiến hành giám sát khai thác tại các địa phương và sẽ tiếp tục theo dõi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, thời gian qua, Hà Tĩnh thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường theo tinh thần vừa nhanh vừa chắc chắn, bám sát thực tiễn và đảm bảo các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Việc tiến hành công tác bồi thường tại Hà Tĩnh nói riêng và các địa phương nói chung đang có xu hướng ngày càng tốt, gần hoàn thành. Tuy nhiên, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn khó khăn nhất, do thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là nhiều tổ chức lợi dụng tình hình chống phá.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đoàn công tác xem xét, xin ý kiến về định mức, đơn giá bồi thường đối với một số đối tượng đã có trong danh mục, nhưng chưa có định mức như: cơ sở SX-KD đá lạnh, xưởng đóng sửa chữa tàu thuyền... Đối với hộ nuôi trồng thủy sản, cần có những quy định rõ hơn, chính xác hơn để đảm bảo công bằng cho người dân; đơn giản hóa bảng kê; có thể xem xét phương án giao cho địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm về mặt quy trình…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đánh giá cao quá trình thực hiện và kết quả kiểm kê, bồi thường thiệt hại tại Hà Tĩnh. Đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả cho các đối tượng đạt gần 90% so với số kinh phí của Trung ương tạm cấp. Trưởng đoàn công tác cũng đề nghị các thành viên ghi nhận ý kiến của địa phương, báo cáo trực tiếp đến lãnh đạo bộ ngành để xử lý trong phạm vi cho phép; những vấn đề phức tạp, đoàn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, địa phương cần thực hiện tốt công tác chi trả cho đối tượng đã có định mức, đơn giá bồi thường theo các văn bản hướng dẫn, hoàn thành trước tháng 6/2017. Đối với những văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, đoàn sẽ kiến nghị xem xét lại, nếu cần thiết sẽ sửa đổi để đảm bảo sự đồng bộ của các văn bản.