Từ ngày 18-21/5/2016, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) do Việt Nam đăng cai tổ chức, với hơn 100 đại biểu đến từ 16 quốc gia trong khu vực tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung xem xét 14/16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016. Trong đó, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Ma Cao) có 4 hồ sơ, Hàn Quốc 2 hồ sơ, Malaysia 2 hồ sơ; các nước Nhật Bản, Singapo, Iran, Mông Cổ, Myanma, Uzbekistan, mỗi nước có 1 hồ sơ.
Việt Nam có 2 hồ sơ đăng ký là Mộc bản Trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế . Đặc biệt, Mộc bản Trường Lưu được đánh giá rất có giá trị trên nhiều phương diện, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam
Mộc bản Trường học Phúc Giang được ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Với 13/14 phiếu tán thành, chiều 19/5/2016, hội nghị đã công bố 13/16 hồ sơ, trong đó cả 2 hồ sơ của Việt Nam là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế đều được ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vục Châu Á - Thái Bình Dương.
Với trầm tích văn hóa ẩn chứa trong từng nét chữ, mộc bản Trường Lưu đã góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa độc đáo của miền đất Can Lộc, Hà Tĩnh. Với việc được ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là cơ hội để gìn giữ và quảng bá về văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Mộc bản quý của ngôi làng hơn 5 thế kỷ
Làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, song nổi tiếng khắp nước là từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) về hưu, dày công xây dựng thành một làng có 8 cảnh đẹp. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên “Phúc Giang thư viện” rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu” để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ.
Mộc bản Trường Lưu có hơn 2.000 bản gỗ được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời hậu Lê do 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy sáng tạo, biên soạn là Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Mộc bản Trường Lưu là các bản gỗ được khắc chữ nổi ở cả 2 mặt trên ván gỗ (mỗi mặt khoảng 18 - 20 hàng, chữ được khắc theo chiều ngang của ván gỗ), được làm từ gỗ thân cây thị vừa dai vừa mềm, lại có độ bền cao. Mỗi cuốn mộc dài 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm.
Hiện nay, số mộc bản cổ nói trên chỉ còn 375 bản và đang được gia đình Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu lưu giữ cẩn thận và đã được sao chụp, số hóa gần 800 trang.
Hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Ngoài thông tin về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống kinh tế - xã hội của một vùng quê xa kinh thành, mộc bản Trường Lưu còn cung cấp thông tin về các dòng họ nổi tiếng ở Can Lộc cũng như Hà Tĩnh và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái, mối liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân...