Từ năm 2016 trở đi, kinh tế Việt Nam nói chung cũng như lĩnh vực xuất khẩu nói riêng được dự báo là sẽ có nhiều lạc quan hơn trước. Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại nhiều diễn đàn, hội thảo kinh tế được tổ chức trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ Đặng Đức Anh - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Kinh tế Việt Nam bước vào chu kỳ phục hồi mới
Giai đoạn từ năm 2016 trở đi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi mạnh nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các DN FDI và nhu cầu bên ngoài cùng với những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Đặc biệt, khu vực công nghiệp - xây dựng có triển vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2016 và đóng vai trò là động lực chính phục hồi toàn nền kinh tế.
Tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ tương đương hoặc tăng nhẹ so với trước. Lý do là nhu cầu thế giới, đặc biệt là các đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam được dự báo khả quan hơn, thương mại và đầu tư thế giới gia tăng, các hiệp định thương mại song phương và đa phương bắt đầu phát huy tác dụng. Riêng kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định do khu vực xuất khẩu tăng trưởng tốt làm tăng nhu cầu sản xuất trong nước, từ đó nâng cao nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu và máy móc.
Ba kịch bản tăng trưởng gồm: kịch bản cao (ít khả năng xảy ra) tương đương với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát trung bình là 7,04 và 6,1%; kịch bản trung bình (là kịch bản chủ đạo) với mức tăng có thể đạt 6,67%, lạm phát trung bình khoảng 5%; kịch bản thấp (có thể xảy ra nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì mô hình cũ) với mức tăng trưởng và lạm phát là 6 và trên 7%.
Tiến sĩ Dương Đình Giám - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam: Việt Nam nhiều cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới
Để có thể trở thành công xưởng của thế giới nhưng không phải chỉ có khả năng cung ứng các sản phẩm ở mức công nghệ trung bình, cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, vẫn cần “lấy ngắn nuôi dài” nhưng về lâu dài, cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó liên kết sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành rất phù hợp với phát triển sản phẩm hỗ trợ. Với mỗi loại sản phẩm cần có những bước đi phù hợp để từng bước nâng cao năng lực cung ứng các sản phẩm hỗ trợ, tránh đầu tư dàn trải như hiện nay. Tập trung mạnh cho đầu tư hạ tầng, bao gồm giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tránh sự đầu tư trùng lắp giữa các địa phương liền kề. Lựa chọn phù hợp các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm chế biến chất lượng cao.
Trong thu hút đầu tư, đã đến lúc phải “mặc cả” với nhà đầu tư nước ngoài về việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam có đủ năng lực, trình độ cung cấp linh phụ kiện khi thỏa thuận ưu đãi cho các nhà đầu tư. Đã đến lúc phải thay đổi sự phân biệt giữa DN ngoại và DN nội. Với những lĩnh vực không yêu cầu đặc biệt về mặt công nghệ thì không cần phải ưu đãi.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình: Nếu hàng nội tốt, tâm lý sính ngoại sẽ thay đổi
Tâm lý sính hàng ngoại xuất phát từ thời kỳ bao cấp khi chúng ta phải nhập khẩu hàng tiêu dùng từ các nước XHCN, trong khi hàng sản xuất trong nước quá tồi. Nay tâm lý đó đang dần thay đổi, chẳng hạn hàng dệt may và hàng thực phẩm của Việt Nam được ưa chuộng và tin dùng hơn hàng Trung Quốc. Một khi hàng hóa Việt Nam đủ sức thuyết phục thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu dùng hàng nội.
Với việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP, hy vọng sẽ có một luồng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ từ Việt Nam để vào các nền kinh tế thành viên TPP. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn đến từ Đài Loan đã và đang chuyển trụ sở sản xuất sang Việt Nam là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng - Viện trưởng Viện Lãnh đạo và quản lý: Lãnh đạo cần có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn và hiểu biết về hội nhập toàn cầu
Để tham gia thành công vào thị trường toàn cầu, các công ty của Việt Nam cần thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận để xây dựng và hiện thực hóa các giá trị thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ và xác lập thương hiệu trên nền tảng giá trị thực thụ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa xây dựng được phong cách của riêng mình- chưa xuất hiện một phong cách quản lý nhất quán của Việt Nam. Chúng ta đang bị lẫn lộn phong cách của Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây, Việt Nam cần phát triển một phong cách lãnh đạo dựa trên văn hóa và trình độ phát triển của chính mình.
Trong quá trình tái cơ cấu và chuyển sang hội nhập toàn cầu, DN Việt Nam cần có các kỹ năng quản lý DN chuyên nghiệp và các bí quyết trong kinh doanh.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng - chuyên gia kinh tế và nhóm cộng sự: Để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thực sự là “bệ phóng”
Sự ra đời của Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014 được các DN trong và ngoài nước đánh giá tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ cần ban hành các văn bản dưới luật, hướng dẫn chi tiết việc thi hành hai luật này đúng thời hạn. Cần tổ chức tập huấn thống nhất ở tất cả các địa phương để tránh gây những thủ tục rắc rối, không cần thiết ảnh hưởng đến DN và nhà đầu tư. Rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp quy để thống nhất quy định và phù hợp với pháp luật quốc tế, tránh sự thiếu đồng bộ cải cách trong hệ thống dẫn đến chồng chéo của các văn bản pháp quy. Đặc biệt, cần xây dựng chế tài xử phạt những trường hợp cố tình hiểu sai, hoặc áp dụng sai luật gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Cần biết phát huy lợi thế
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, mỗi vùng miền, mỗi DN, từng người lao động cần biết rõ đâu là lợi thế. Cơ chế điều hành của các cơ quan quản lý cũng phải điều chỉnh theo các chuẩn mực quốc tế. Bộ máy quản lý, quy trình ban hành các quy định cũng cần có tác dụng thúc đẩy phát triển, bảo đảm nâng cao lợi thế của các đối tượng bị quản lý, cụ thể là các DN.
Trong việc huy động các nguồn vốn để đầu tư, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để giảm dần việc tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên, mà phải dựa vào năng suất lao động. Phải chuyển cơ cấu vốn đầu tư để các nhà đầu tư trong nước có thể song hành với các nhà đầu tư nước ngoài. Phải có cơ chế, chính sách sử dụng vốn đầu tư, bởi dòng vốn trong quá trình vận động sẽ chỉ dừng lại ở nơi có hiệu quả và an ninh tài chính cao nhất.