Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thủ tướng Thongloun Sisoulith chọn Việt Nam là nước đi thăm chính thức ngay sau khi hai nước tổ chức thành công Đại hội Đảng, Quốc hội bầu ra Ban lãnh đạo mới đã thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Lào đối với quan hệ hợp tác hữu nghị Lào - Việt Nam.
am.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Thongloun Sisoulith duyệt đội danh dự. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Thongloun Sisoulith và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 15-17/5.
Ngày 15/5, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã long trọng đón và hội đàm với Thủ tướng Thongloun Sisoulith.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thongloun Sisoulith và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sang thăm chính thức Việt Nam; chúc mừng đồng chí Thongloun Sisoulith được Quốc hội Lào tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Việc Thủ tướng Thongloun Sisoulith chọn Việt Nam là nước đi thăm chính thức ngay sau khi hai nước tổ chức thành công Đại hội Đảng, Quốc hội bầu ra Ban lãnh đạo mới đã thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Lào đối với quan hệ hợp tác hữu nghị Lào - Việt Nam.
Chuyến thăm của Thủ tướng Thongloun Sisoulith tạo ra động lực mới góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc long trọng đón và hội đàm với Thủ tướng Thongloun Sisoulith. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào thăm chính thức Việt Nam và trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Hai bên hài lòng về mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng gắn bó và tin cậy; đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt - Lào giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, Hiệp định về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai tốt, góp phần không ngừng củng cố và phát triển quan hệ song phương cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai bên cũng khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ thủy chung và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá của cả hai dân tộc, cần luôn được gìn giữ, phát huy và truyền lại cho muôn đời sau.
Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện tốt các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng cũng như hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2016 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020; tiếp tục kiện toàn Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương để cơ chế này đạt hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chuyến đi tạo ra động lực mới góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phấn đấu tăng 20% kim ngạch thương mại song phương
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quan trọng hai nước vừa ký trong năm 2015 gồm Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2030; không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Lào; tổng kết và nhân rộng mô hình một cửa, một lần dừng; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2016 tăng 20% so với năm 2015.
Hai bên khẳng định sẽ phối hợp triển khai tốt Nghị định thư về hợp tác quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020; xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phấn đấu trở thành mô hình mẫu cho hợp tác biên giới song phương ở khu vực; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự khu vực biên giới, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Về các lĩnh vực khác, hai bên nhất trí tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phối hợp tổ chức tốt “Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào trong năm 2016”, thúc đẩy triển khai Dự án Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào và Công viên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Vientiane (Lào).
Hai bên bày tỏ hài lòng và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế Chao Phraya - Ayeyawady - Me Kong (ACMECS), Hợp tác Á-Âu (ASEM) và tại Liên Hợp Quốc. Phía Lào nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ để Việt Nam tổ chức thành hội nghị Cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8 tại Việt Nam vào tháng 10/2016.
Toàn cảnh hội đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp hiệu quả của Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016; đề nghị Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ để bảo đảm đoàn kết và duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao và cảm ơn phía Lào đã tăng mức xả nước trên các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mekong, cũng như đã ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh miền Nam Việt Nam. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Lào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui vẻ nhận lời. Thời gian cụ thể của chuyến thăm sẽ thu xếp qua đường ngoại giao.
Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện giữa các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam và Lào:
1. Bản Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHDCND Lào năm 2016.
2. Bản Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Nông Lâm nước CHDCND Lào về việc triển khai dự án Phân vùng sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Huaphanh và Xiengkhuang, nước CHDCNDLào.
3. Bản Thỏa thuận giữa tỉnh Điện Biên, nước CHXHCN Việt Nam và tỉnh Phongsaly, nước CHDCND Lào về việc triển khai trường Phổ thông trung học huyện Boun Neua, tỉnh Phongsaly, do Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tài trợ.
Hai Thủ tướng cũng chứng kiến Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) hỗ trợ Chính phủ nước CHDCND Lào 200.000 USD để phát triển công tác an sinh xã hội.
Tối 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng đồng chí Thongloun Sisoulith và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước CHDCND Lào.