Phát biểu kết luận cuộc đối thoại với đại diện doanh nhân và tri thức tại Đối thoại 2045 diễn ra vào chiều nay tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần khát vọng và niềm tin chính được thể hiện rõ trong cuộc đối thoại.
Hãy tiếp tục tin tưởng kinh tế tư nhân
Bày tỏ đánh trân trọng, đánh giá cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý tưởng tổ chức Đối thoại 2045 và đặc biệt là đưa diễn đàn này trở thành thường niên, trên cơ sở gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nhân đều thể hiện quyết tâm cao đóng góp vào sự phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Theo đó, để góp phần tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, các doanh nghiệp đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân cũng như các thành phần kinh tế khác.
Nói như ông Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, doanh nghiệp, doanh nhân kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện tốt nhất để cho khát vọng đó được nuôi dưỡng lớn mạnh, bùng cháy ở tất cả hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, để cho toàn thể “đàn chim doanh nghiệp Việt” từ các “đại bàng, sếu đầu đàn và các cánh chim khác” cùng kết thành một đàn vượt qua mọi giông bão, ấp ủ xây dựng tổ quốc vào dịp 100 năm kỉ niệm thành lập nước là quốc gia phát triển, hùng cường.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet.Cho rằng cuộc tọa đàm mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet nhận định, từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đạt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực.
“Hãy để Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sứs khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới… Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp” - bà Thảo đề nghị.
Trước thực trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), bà Thảo cho biết, các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng chung sức giải quyết để chung tay với Chính phủ trong huy động nguồn lực phát triển đất nước.
Còn ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Massan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau nhưng về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
“Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm. Trong nền kinh tế Việt Nam, chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá người tiêu dùng phải trả. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng” - ông Quang nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự “Đối thoại 2045”.Đại diện doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, ông Võ Quang Huệ, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast lại chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. Chỉ sau 20 tháng, hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam, là một kỳ tích như đánh giá của quốc tế. Ông Huệ cho rằng: kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Đánh giá Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, VinaCapital sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045 cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước.
Theo đó, cần chuẩn bị hai yếu tố quan trọng: Một là yếu tố kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố, giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động. Ông cho rằng, về yếu tố này, Chính phủ sẽ có những quyết sách có lợi nhất để phát huy thế mạnh, thu hút ‘đại bàng’ cho các tỉnh phía nam thông qua TPHCM cũng như các thành phố đầu tàu kinh tế khác như Hà Nội, Đà Nẵng.
Còn yếu tố thứ hai là về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn.
Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, người đã gắn bó rất nhiều năm với Thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng, định hướng nền kinh tế Việt Nam 2045 nên tập trung ngay bây giờ vào 3 vấn đề: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nhà kính trong mối quan hệ tổng hòa với các lĩnh vực tạo nên sự tăng trưởng GDP, qua đó hướng tới sựu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Về địa lợi, ông Dominic Scriven kiến nghị là làm sao TPHCM tiếp tục đóng vai trò đầu tầu kinh tế Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển mạnh hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Và về nhân hòa, gần đây có nhiều vụ lừa đảo do sự thiếu hiểu biết của một số người dân. Do đó, cần đẩy mạnh phổ biến kiến thức về tài chính cho người dân Việt Nam để người dân có những phương án tài chính bền vững khi về già.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đối thoại 2045 lần thứ nhất.Kinh tế Việt Nam phải do Việt Nam làm chủ
Phát biểu tại Đối thoại, nhà nghiên cứu, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh tin tưởng, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.
Để thực hiện mục tiêu 2045, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng nhấn mạnh một điều, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
“Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn và tin tường, Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tư vấn tổ kinh tế của Thủ tướng cho rằng sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc. Bất kì quốc gia giàu mạnh nào thì cũng phải có các doanh nhân, các doanh nghiệp hàng đầu và đồng thời phải có các trường đại học lớn nếu muốn ở đứng ở hàng đầu.
Những yêu cầu đó đã thể hiện trong Đối thoại 2045 với sự đồng thuận về nhu cầu cần phải bồi dưỡng, vun đắp và phát triển lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân gắn với giáo dục đào tạo.
Khát vọng và niềm tin
Kết luận Đối thoại 2045 lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tinh thần quan trọng của diễn đàn là: Một khát khao cháy bỏng cho một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045, đó là tình cảm lớn lao của quý vị dành cho đất nước. Không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân, không chỉ khát khao cháy bỏng ấy của doanh nghiệp mà là cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự đồng bộ ấy mới có thể phát triển được. Thứ hai rất quan trọng quý vị đã nêu, đó là một niềm tin chất chứa. Đến năm 2045 còn ¼ thế kỷ. Đó là khoảng thời gian đủ dài để xuất hiện những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ mang tên Việt Nam. Giống như trước đây rất nhiều doanh nghiệp trong hội trường này chưa có tên trong bản đồ kinh tế Việt Nam. Chúng ta đủ niềm tin, khát vọng để tin tưởng rẳng, các bạn tiếp tục đóng góp vào sự thành công của đất nước. Cho nên “khát vọng và niềm tin” là những điều quan trọng nhất của cuộc thảo luận hôm nay.
Theo đó, Thủ tướng tổng kết 5 nhóm vấn đề được nêu ra tại đối thoại: Đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia. Thứ 2 là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là bà đỡ cho doanh nghiệp và của đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Thứ 3, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho doanh nghiệp, nhất là tạo điều kiện về đất đai. Thứ 4 là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả.
Tán thành với các ý kiến đều khẳng định doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Trong thời đại ngày nay mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tốt đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu, mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Chính vì vậy, tôi đặc biệt ấn tượng với những khẩu hiệu của doanh nghiệp, nó thể hiện một sứ mệnh hay giá trị mà doanh nghiệp muốn đóng góp cho xã hội. Có nhiều lời khuyên cho doanh nghiệp, đó là yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán, đặc biệt niềm tin tự mình chối bỏ sẽ thất bại. Niềm tin, niềm tin và niềm tin, kiên nhẫn một mục tiêu, bền bỉ chí hướng sẽ thành công” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khích lệ các doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 mới đây của Đảng.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.
Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trường đại học, các trường dạy nghề. Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.
Thủ tướng nêu rõ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành "mục tiêu kép" trong năm 2020, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Cùng với những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta không thể không nói đến vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia với những phản biện xã hội tâm huyết, trên tinh thần xây dựng, làm cho những giá trị được thức tỉnh, được bảo vệ và được tạo ra.
Thủ tướng mong muốn, chúng ta hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều doanh nghiệp vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó. Đây là một điều mà tất cả chúng ta cùng mong muốn.
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời chúc mừng các nhà lãnh đạo nữ, nữ doanh nhân nhân ngày Quốc tế Phụ nữ./.
Vũ Dũng - Hà Khánh/VOV.vn