Trả lời phỏng vấn TG&VN trước thềm chuyến thăm Tanzania, Mozambique và Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, Chủ tịch nước sẽ tập trung trao đổi với Lãnh đạo các nước nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, nông nghiệp, viễn thông, dầu khí… Nhân dịp này, nhiều Hiệp định và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và các nước sẽ được ký kết.
Xin Thứ trưởng cho biết mục đích chuyến thăm Tanzania, Mozambique và Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 9-15/3?
Nhận lời mời của Tổng thống Tanzania John Magufuli, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Tanzania, Mozambique và Iran từ ngày 9-15/3. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Tanzania và Mozambique và lần thứ ba Chủ tịch nước ta tới thăm Iran. Chuyến thăm của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và các nước Tanzania, Mozambique và Iran đang phát triển tốt đẹp.
Qua chuyến thăm này, Việt Nam muốn khẳng định chủ trương nhất quán coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống và tăng cường hơn nữa quan hệ nhiều mặt với các nước châu Phi nói chung, đặc biệt là Tanzania và Mozambique. Việt Nam cũng muốn khẳng định coi trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt với Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Iran vừa được dỡ bỏ.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trao đổi với Lãnh đạo các nước Tanzania, Mozambique và Iran về tình hình kinh tế - xã hội và đối ngoại gần đây của Việt Nam, đánh giá cao sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như trên các diễn đàn quốc tế thời gian qua. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tập trung trao đổi thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước trên nhiều mặt, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, viễn thông, dầu khí, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo... để nâng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước lên một tầm cao mới, phù hợp với tiềm năng sẵn có của các bên. Nhân dịp chuyến thăm này, nhiều hiệp định và bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và các nước sẽ được ký kết.
Theo Thứ trưởng, Tanzania và Việt Nam có tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể nào?
Tanzania là nền kinh tế phát triển năng động tại khu vực Đông Phi với tỷ lệ tăng trưởng đạt 6-7% giai đoạn 2009-2015. Hiện hai nước đã có sự khởi đầu tốt đẹp trong hợp tác về nông nghiệp và viễn thông. Việt Nam đã giúp Tanzania khảo sát và tính toán xây dựng “Dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo” và “Dự án xây dựng Viện nghiên cứu nuôi hải sản tại khu bán tự trị Dan-di-ba” để kêu gọi tài trợ. Tanzania mong muốn ta giúp bạn về kỹ thuật canh tác và nuôi trồng thủy hải sản. Đồng thời, Tanzania mời Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực máy nông nghiệp nhỏ và sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho trong nước và thị trường năm nước Đông Phi.
Trong lĩnh vực viễn thông, Công ty Liên doanh Viettel Tanzania đã giành giải thưởng “Dự án đầu tư tốt nhất khu vực Đông, Tây và Trung Phi năm 2014” và chỉ sau hơn hai tháng khai trương từ ngày 15/10/2015, mạng viễn thông Halotel đã cán mốc gần một triệu thuê bao. Đây là thành tích đáng khích lệ, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam tại Tanzania và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của ta tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Về thương mại, kim ngạch hai nước năm 2015 đạt 203 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 64 triệu, nhập khẩu 139 triệu USD) tăng 30% so với năm 2014 đạt 156,83 triệu USD (ta xuất khẩu 51,65 triệu USD và nhập khẩu 105,18 triệu USD). Trao đổi thương mại hiện nay chủ yếu giới hạn trong một số ít mặt hàng trao đổi là gạo, hạt điều, bông cho thấy hợp tác thương mại hai nước mới đang ở bước khởi đầu, chưa phản ánh đúng tiềm năng nhu cầu của thị trường Tanzania gần 52 triệu dân và mong muốn của cả hai bên. Thời gian tới, Việt Nam có thể mở rộng diện xuất khẩu sang nhiều mặt hàng như gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản, máy móc nông nghiệp… Ngoài thúc đẩy trao đổi thương mại trực tiếp, cả Việt Nam và Tanzania cần phấn đấu trở thành các trạm trung chuyển để hàng hóa Việt Nam đi vào khu vực Đông Phi cũng như hàng hóa Tanzania đi vào thị trường ASEAN.
Với hơn 30 doanh nghiệp tháp tùng đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Tanzania lần này, tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm thêm được nhiều cơ hội kinh doanh và tạo đột phá ở nhiều lĩnh vực, biến Tanzania thành thị trường bàn đạp để mở rộng ra các nước khu vực Đông Phi và châu Phi trong tương lai không xa.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam – Mozambique đã phát triển và mở rộng. Xin thứ trưởng khái quát những cơ hội của thị trường Mozambique đối với đầu tư và thương mại Việt Nam?
Với sự năng động của Lãnh đạo cấp cao, mười năm trở lại đây, Mozambique đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích được các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, đa dạng hóa kinh tế để xóa đói giảm nghèo và phát triển. Mozambique đã liên tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi trong hơn mười năm qua ở mức 6-8%/năm.
Trong công cuộc cải cách kinh tế, Mozambique đã hướng tới Việt Nam như một người bạn và như một đối tác giàu tiềm năng để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ cơ hội đầu tư kinh doanh hai bên cùng có lợi. Đi đầu trong hợp tác song phương là lĩnh vực viễn thông và nông nghiệp. Và kết quả của niềm tin giữa các Nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đem đến những kết quả thực chất. Thành công của liên doanh viễn thông Movitel ở Mozambique thuộc dự án đầu tư đầu tiên của Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam ở châu Phi cùng hàng loạt dự án hợp tác song phương, đa phương về nông nghiệp tại các địa phương của Mozambique đã chứng minh cho các quyết định đúng đắn của Lãnh đạo hai nước và đây sẽ là động lực mở ra cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới.
Chúng ta có thể tin tưởng vào cơ hội kinh doanh sẽ liên tục được mở ra ở đất nước Mozambique thân thiện và năng động trên các lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông – lâm – thủy sản… Kim ngạch thương mại hai chiều hai nước mới đạt 66 triệu USD năm 2015, con số còn ít ỏi so với một thị trường 25 triệu dân nằm trong Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) rất gắn kết và thành công. Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước lần này, Chính phủ Việt Nam muốn chuyển tải đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông điệp rằng hãy mạnh dạn vươn ra ngoài, tới các nước như Mozambique, doanh nghiệp ta sẽ có cơ hội để phát triển.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran được dỡ bỏ?
Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho Iran trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ các chính sách kinh tế mới và việc dỡ bỏ cấm vận, tăng trưởng kinh tế Iran năm 2015 ước đạt 2% và trở thành nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới; dự báo tăng trưởng kinh tế Iran trong năm 2016 và 2017 đạt 5,8-6,7%. Với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực trình độ cao và chính trị ổn định, Iran thời kỳ hậu cấm vận có điều kiện khẳng định thành nền kinh tế hàng đầu khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |
Chuyến thăm của Chủ tịch nước ta lần này tới Iran cùng với nhiều doanh nghiệp tháp tùng một phần cũng là để tìm cách khai thác hiệu quả triển vọng hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực đang mở ra ở đất nước Iran mến khách. Do các lệnh cấm vận gây khó khăn phần nào, hiện nay, kim ngạch thương mại song phương hai chiều ở mức vô cùng hạn chế, nếu không nói là quá nhỏ, chỉ 105 triệu USD năm 2015 (ta xuất 76,6 triệu USD và nhập 29 triệu USD) so với quy mô dân số khoảng 82 triệu người ở Iran và trên 90 triệu người ở Việt Nam. Iran là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, thủy hải sản, hàng may mặc… Việt Nam là thị trường cho các sản phẩm dầu khí, hóa dầu, luyện kim, kim loại quý… của Iran. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế tạo, bảo hiểm, sản xuất ô-tô…. Với các lệnh cấm vận dần được dỡ bỏ, hai nước có cơ hội trở lại hợp tác với nhau trong lĩnh vực năng lượng đang bị ngưng trệ, đó là tiếp tục triển khai dự án khai thác dầu khí Danan tại Iran.
Việt Nam và các nước Tanzania, Mozambique và Iran có quan hệ hữu nghị từ lâu và có rất nhiều tiềm năng hợp tác nhưng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại vẫn chưa tương xứng. Xin Thứ trưởng cho biết các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia này trong thời gian tới?
Về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Tanzania, Mozambique và Iran thời gian tới, tôi cho rằng quan hệ chính trị đối ngoại sẽ vẫn cần được tiếp tục duy trì và củng cố hơn nữa, đặc biệt là quan hệ cá nhân giữa các nhà Lãnh đạo cấp cao. Ngoài việc tiếp tục truyền thống về phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết, Việt Nam và các nước trên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, tăng cường hoạt động các cơ chế hợp tác cấp chính phủ như UBHH, UBLCP, ký kết các văn bản pháp lý làm nền tảng cho hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam với các nước này.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (thứ tư từ phải) tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Giao thông và Viễn thông Mozambique tại Maputo tháng 7/2015. |
Về kinh tế, trước mắt Việt Nam và các nước cần chú trọng hợp tác ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mở chi nhánh ở nhau, tạo kênh thanh toán tiện lợi, chi phí thấp, doanh nghiệp nhờ đó mới có điều kiện mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư. Các bộ, ngành cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các chính sách khuyến khích hoạt động của doanh nghiệp ở các thị trường cách xa về địa lý với giải pháp liên quan đến chi phí vận chuyển, các gói tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm đầu tư, thông tin tư vấn pháp lý... Các bộ, ngành cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề cần cải tiến hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp thông tin cụ thể về cơ hội thị trường mà sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp ta có thể nắm bắt, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư có trọng điểm, hiệu quả cho doanh nghiệp. Các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở các nước trên thế giới cần tìm kiếm các nguồn vốn ở các nước và tổ chức quan tâm tới châu Phi để kết nối hoạt động cho doanh nghiệp ta dưới các hình thức hợp tác ba bên ở châu Phi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn và chủ động tìm hiểu, yêu cầu, đề xuất các cơ quan chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kể cả các các biện pháp với chính phủ các nước Tanzania, Mozambique và Iran để các cơ quan đại diện ta tại các nước này phản ánh và giải tỏa các vướng mắc. Chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần trao đổi với nhau thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa kinh doanh, thị hiếu của người dân sở tại và cùng nhau phối hợp các kế hoạch kinh doanh cùng có lợi.
Trên các cơ sở đó, cùng với quyết tâm và nỗ lực của chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước Tanzania, Mozambique và Iran, tôi tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân các nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Việt Nam và các nước cần chú trọng hợp tác ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mở chi nhánh ở nhau, tạo kênh thanh toán tiện lợi, chi phí thấp, doanh nghiệp nhờ đó mới có điều kiện mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư. Các Bộ, ngành cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các chính sách khuyến khích hoạt động của doanh nghiệp ở các thị trường có địa lý cách xa với giải pháp liên quan đến chi phí vận chuyển, các gói tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm đầu tư, thông tin tư vấn pháp lý... |