(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp các tin tức thế giới nổi bật trong ngày 14/3.
Công tố viên Hàn Quốc triệu tập bà Park Geun-hye: Trong một phát biểu với báo chí hôm 14/3, người phát ngôn Văn phòng công tố viên quận trung tâm Seoul cho biết, ngày 15/3, cơ quan công tố sẽ quyết định thời điểm bà Park Geun-hye bị triệu tập với tư cách là một nghi phạm.
Bà Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội ngày 9/12 năm ngoái với các cáo buộc đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc của nhà nước dù không có chức danh chính thức nào trong chính phủ, và cấu kết với người này để lấy hàng triệu đôla từ nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Ngày 10/3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc công bố phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội của Quốc hội nước này đối với Tổng thống Park Geun-hye, theo đó bà bị bãi nhiệm và một cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tiến hành trong những tuần tới.
Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc bà Park Geun-hye không những bị chấm dứt chức vụ sớm hơn 1 năm so với thời hạn, mà còn mất quyền miễn trừ truy tố hình sự. (Ảnh: Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Nguồn: Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ ngoại giao với Hà Lan: Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/3 tuyên bố không cho phép đại sứ Hà Lan ở nước này được trở lại Ankara làm nhiệm vụ, đồng thời đình chỉ “quan hệ ngoại giao cấp cao” với Hà Lan trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao.
“Cho đến khi những điều chúng tôi nói được đáp ứng, đại sứ Hà Lan sẽ không được phép quay lại”, AFP dẫn lời Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết ngày 13/3. Đại sứ Hà Lan tại Ankara Kees Cornelis van Rij hiện không ở Thổ Nhĩ Kỳ, công việc do đại biện lâm thời đại sứ quán xử lý.
Phó Thủ tướng Kurtulmus cũng cho biết quan hệ cấp cao và các cuộc gặp dự kiến từ cấp bộ trưởng trở lên giữa hai nước đã bị đình chỉ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đã đe dọa áp đặt trừng phạt và đưa Hà Lan ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu liên quan đến vụ việc này.
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bắt đầu từ ngày 11/3, khi Amsterdam không cho phép máy bay chở ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Rotterdam, nơi ông dự một cuộc mít tinh của người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tranh thủ sự ủng hộ với kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó gọi Hà Lan là “tàn dư của phát xít”, cảnh báo Amsterdam “sẽ phải trả giá”. Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/3 triệu đại sứ Hà Lan tại Ankara để trao công hàm phản đối cách cảnh sát Rotterdam giải tán người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố này ngày 12/3. (Ảnh: Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus. Nguồn: Vestnik Kavkaza)
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức bị trì hoãn vì bão tuyết:AFP ngày 14/3 dẫn lời ông Sean Spicer, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã trao đổi với Thủ tướng Đức Merkel, đồng ý cuộc gặp sẽ được chuyển sang ngày 17/3 do thời tiết
Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và bà Merkel ban đầu được lên kế hoạch diễn ra trong ngày 14/3. Sau cuộc trao đổi ở phòng Bầu dục, hai nguyên thủ dự kiến có cuộc họp báo chung.
Lần gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo thu hút sự quan tâm lớn của công chúng khi hai bên thể hiện quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề lớn, trong đó có nhập cư và biến đổi khí hậu.
Bà Merkel từng chỉ trích quyết định của ông Trump về việc cấm công dân từ 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi vào Mỹ. Ông Trump cũng lên án mạnh mẽ chính sách tị nạn của bà Merkel.
Rạng sáng 14/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo gió lớn và bão tuyết tại thành phố New York. Các quan chức thành phố dự kiến, chi phí cho việc dọn tuyết có thể lên tới hơn 30 triệu USD.
Trong khi đó, nhiều trường học từ thủ đô Washington tới Boston đã phải đóng cửa.Tuyết rơi dầy cũng đã làm gián đoạn hoạt động của các văn phòng chính phủ và người dân cũng được khuyến cáo nên hạn chế đi lại. (Ảnh: Bão tuyết gây không ít khó khăn cho sinh hoạt của người dân Mỹ. Nguồn: Reuters).
Quốc hội Anh thông qua dự luật mở đường kích hoạt Brexit: Rạng sáng 14/3, hai viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo AP, dự luật Brexit được Hạ viện Anh, nơi đảng bảo thủ của bà May chiếm đa số, thông qua cách đây vài tuần. Tuy nhiên, Thượng viện phản đối và yêu cầu sửa đổi bổ sung thêm điều khoản.
Hai điều khoản mà Thượng viện yêu cầu gồm quyền được phủ quyết của các nghị sĩ Anh đối với kết quả đàm phán cuối cùng của Thủ tướng May và EU và quyền của các công dân EU tại Anh sau Brexit đã không được bổ sung vào trong dự luật Brexit sau khi Hạ viện phủ quyết. Thượng viện Anh cuối cùng đồng ý rút lại đề xuất của mình.
"Đây là kết quả thất vọng với những ai hiểu biết về tầm quan trọng sống còn của việc kiểm soát Brexit ở tầm Quốc hội", nữ nghị sĩ Anna Soubry, thuộc phe bảo thủ, chống lại Brexit, nhận định.
Hạ viện và Thượng viện Anh thời gian qua tranh cãi về số phận của những công dân EU tại Anh và công dân Anh tại các nước EU sau tiến trình Brexit. Các quan chức Anh và EU cho rằng những công dân này phải được đảm bảo quyền ở lại nơi cư trú hiện tại, nhưng chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra. (Ảnh: Những người biểu tình chống Brexit trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 13/3. Nguồn: Reuters).
EU gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng: Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/3 quyết định gia hạn lệnh trừng phạt nhằm các thực thể và cá nhân, trong đó có một loạt quan chức cấp cao Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine thêm 6 tháng, đến hết ngày 15/9 tới.
Các biện pháp trừng phạt vừa được triển hạn bao gồm lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Đối tượng bị trừng phạt là 150 người Nga hoặc Ukraine và 37 pháp nhân, tức là các doanh nghiệp.
Trong một tuyên bố, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, lệnh trừng phạt này nhằm vào 150 cá nhân và 37 thực thể. Nhiều thành viên chính phủ Nga nằm trong danh sách này, đặc biệt là phó thủ tướng Dimitri Rogozine, hai thứ trưởng bộ Quốc Phòng hoặc lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại Serguei Narychikine, và nhiều doanh nhân, nhất là ông Arkadi Rotenberg, một tỷ phú thân cận với tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, dầu lửa hoặc quốc phòng của Nga sẽ hết hạn vào cuối tháng Bảy này. Để trả đũa, Nga đã tiến hành cấm vận đối với nông sản châu Âu và lệnh cấm của Moscow được áp dụng cho đến cuối năm 2017.
EU đã công bố những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ tháng 3/2014 và những biện pháp này đã nhiều lần được gia hạn. Điều này cho thấy mối quan hệ, cũng như lập trường của các bên liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn còn khá xa nhau. (Ảnh: Xe tăng xuất hiện trên đường phố Avdiyivka, khu vực miền Đông Ukraine. Nguồn: Reuters).