Sáng nay (22/2), Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo năm thứ 4 (2016). Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Bà Kate Reeki - Phó Giám đốc Hợp tác phát triển kiêm Tham tán phát triển, cố vấn phát triển Đại sứ quán Canada đồng Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cùng chủ trì hội nghị.
Năm 2015, với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, chính quyền và người dân vùng hưởng lợi đã nỗ lực tiếp cận, thực hiện hoàn thành các nội dung cơ bản của dự án. Những kết quả đạt được của dự án đã góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Lãnh đạo tỉnh và dự án ký kết thống nhất gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 9/2018 |
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung bàn bạc, thảo luận các phương án, kế hoạch thực hiện dự án trong năm tiếp theo với mục tiêu huy động tối đa sự tham gia của các ban, ngành, địa phương và các dự án khác để đạt hiệu quả cao nhất.
Phía Canada cũng thống nhất với phương án chuyển ngân sách còn dư của năm 2015 (trên 20 tỷ đồng) sang phân bổ cho kế hoạch năm 2016. Theo đó, tổng nguồn vốn bố trí để Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch năm 2016 là trên 42,259 tỷ đồng (tương đương 2.685.715 CAD).
Hai bên cũng đã tổ chức ký kết, đi đến thống nhất gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 9/2018 và tăng khoản ngân sách hỗ trợ với trị giá 250.000 CAD.
Tại hội nghị, bà Kate Reeki bày tỏ vui mừng trước những kết quả mà dự án đạt được trong năm qua; yêu cầu ngành NN&PTNT Hà Tĩnh quan tâm hơn nữa đến việc xúc tiến thương mại, có một đơn vị tư vấn độc lập trong lĩnh vực này.
Phía Canada cũng sẽ hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng nhà máy sản xuất giống lúa, với điều kiện địa phương có kế hoạch kinh doanh cụ thể và phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định, kết quả đạt được của Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh chính là mô hình nhân tố tạo nên thành công chung của ngành NN&PTNT Hà Tĩnh. Những mô hình mang tính bền vững hơn sẽ trở thành mô hình mẫu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị dự án kết nối với các dự án khác và với các ngành liên quan để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Xung quanh chuỗi giá trị sản phẩm, đề nghị tập trung vào từng chuỗi để đảm bảo tính hiệu quả và phải gắn kết với thị trường.
Xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình đã làm theo đúng kế hoạch; nâng cao năng lực quản lý, nhất là tập trung cải cách hành chính; có kế hoạch sử dụng kinh phí theo đúng lộ trình…
Xung quanh nhà máy sản xuất giống lúa, đây là dự án mang tính đầu tư chứ chưa thực sự là sản xuất kinh doanh và phải luôn xem lợi ích của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu.