Báo Thế giới & Việt Nam xin gửi tới bạn đọc toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 Phong trào Không liên kết tại đảo Margarita, Venezuela.
Trước hết, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng Ngài Tổng thống nhân dịp Venezuela đảm nhiệm chức Chủ tịch Phong trào Không liên kết và xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Venezuela về những tình cảm tốt đẹp, lòng mến khách dành cho Đoàn chúng tôi và sự chuẩn bị chu đáo đối với Hội nghị.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Trải qua 55 năm, Phong trào của chúng ta đã lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh và cùng phát triển. Sức mạnh của Phong trào được thể hiện mạnh mẽ nhất khi chúng ta đoàn kết, thống nhất, cùng nhau lên tiếng và cùng nhau hành động trên cơ sở những mục tiêu chung và nguyên tắc sáng lập của Không liên kết.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị. |
Thế giới hôm nay mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức chưa từng có. Những mối đe dọa về an ninh, xung đột, thiếu tôn trọng, thậm chí bỏ qua luật pháp quốc tế, can thiệp, gây sức ép, áp đặt giá trị, quan điểm và lợi ích vị kỷ của các nước lớn vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, bất công trong quan hệ thương mại, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, nguy cơ tụt hậu, chủ nghĩa đơn phương, khủng bố quốc tế… ngày càng phức tạp và không nước nào có thể một mình xử lý được. Chịu tác động nhiều nhất, thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các nước Không liên kết. Một trong những mối quan ngại của Phong trào hiện nay là việc những nguyên tắc và quy tắc của Phong trào đôi khi không còn được tôn trọng đầy đủ, kể cả quyết định về nguyên tắc đồng thuận thông qua tại Hội nghị Cấp cao 6 (La Habana 1979) và Tài liệu Cartagena năm 1995 về Phương pháp làm việc.
Trong bối cảnh đó, Không liên kết trước hết cần phải củng cố lại sự thống nhất và đoàn kết của 120 nước thành viên. Để làm được điều đó, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để có một quan hệ quốc tế ổn định, dân chủ, dựa trên luật lệ và bảo đảm tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và an ninh quốc tế. Bởi vậy, chúng ta cần dành ưu tiên theo các hướng sau:
Một là, chúng ta cần đề cao các nguyên tắc Băng-đung, nhất là về tôn trọng chủ quyền, không gây sức ép, không xâm lược hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiện thực hoá được những khát vọng và lợi ích chung về hoà bình và an ninh.
Hai là, chúng ta cần phấn đấu vì lợi ích cao nhất của Không liên kết về phát triển, nhất là trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết những chủ đề này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng và hỗ trợ thiết thực cho các nước đang phát triển thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Chúng ta cũng cần đổi mới và tìm kiếm những phương thức hợp tác mới nhằm hỗ trợ lẫn nhau như hợp tác Nam-Nam, ba bên, khu vực, tiểu khu vực…
Cuối cùng, chúng ta cần cùng nhau nỗ lực hơn để trong việc làm cho các cơ chế quản trị và ra quyết định ở phạm vi toàn cầu dân chủ hơn, công bằng hơn và có sự tham gia thực chất của các nước Không liên kết, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Đầu năm nay, Cộng đồng ASEAN đã được thành lập với phương châm Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng. Các nước ASEAN đang nỗ lực tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á, nhất là qua việc xử lý các thách thức phức tạp về an ninh ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Liên quan đến các diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong thời gian gần đây, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Về phần mình, kiên trì các mục tiêu và nguyên tắc sáng lập của Không liên kết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội trong xây dựng đất nước. Chúng tôi luôn chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của Không liên kết, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những mục tiêu chung của Phong trào, vì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn các Quý vị./.