Muốn bền chặt, Mỹ cần phát triển mối quan hệ với ASEAN trên một nền tảng rộng lớn và vững chắc hơn, không chỉ dừng lại ở vấn đề Biển Đông.
Nếu ASEAN trở thành trung tâm, khu vực sẽ ít xung đột hơn. (Nguồn: Reuters) |
Phó Giáo sư Simon Tay - Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng trên tờ Today ngày 4/2.
Hình thức đối phó với Trung Quốc?
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ sớm tụ họp tại Sunnylands, California, Mỹ trong một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama. Cuộc họp tại Sunnylands diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama có thể xem như một mốc đánh dấu sự chuyển biến trong chính sách Xoay trục của Mỹ tới châu Á. Như vậy, chính quyền của ông Obama không chỉ quan tâm nhiều hơn tới mối quan hệ với những nước lớn khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ mà còn cả các nước ASEAN – 10 nước vừa và nhỏ trong khu vực.
Chính Tổng thống Obama là người đã khai mạc hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN vào năm 2009 và phát triển nó thành một loạt các hội nghị cấp cao. Việc lựa chọn địa điểm là Sunnylands cho Hội nghị thượng đỉnh US-ASEAN sắp tới, nơi ông Obama từng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho thấy một sự bình đẳng trong những ưu tiên của Mỹ.
Nếu Washington có thể hỗ trợ và biến ASEAN trở thành trung tâm của khu vực thì viễn cảnh về một khu vực ít xung đột hơn có thể trở thành hiện thực. ASEAN đã trở thành một cộng đồng, mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng cộng đồng cho thấy sự hợp tác kinh tế lớn và xu hướng hợp tác hoà bình của Hiệp hội. Trong tháng đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi sự đoàn kết của Hiệp hội khi đến thăm Lào, Chủ tịch luân phiên năm 2016 của ASEAN.
Tuy nhiên, việc Mỹ tăng cường quan hệ với ASEAN có thể được xem như một nỗ lực nhằm đối phó với Trung Quốc khi giữa Bắc Kinh và một số nước trong ASEAN đang tồn tại tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Gần đây, quân đội Mỹ đã tiến hành một số hoạt động nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên tuyến hàng hải quan trọng này. Các liên minh quân sự trong khu vực của Washington, đặc biệt là các liên minh với Nhật Bản và Philippines, cũng được Washington củng cố lại. Nhiều người cho rằng sự ủng hộ mà Mỹ dành cho ASEAN đơn thuần là công cụ để chống lại Trung Quốc.
Cần nền tảng vững chắc
Do vậy, để phát triển các mối quan hệ Mỹ - ASEAN trên một nền tảng rộng lớn và vững mạnh hơn, có những điều Mỹ có thể và nên thực hiện song cũng có những điều nên tránh.
Trên Biển Đông, Mỹ nên ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán để có được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. COC sẽ giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang. Chủ thể thực hiện điều này phải là một ASEAN thống nhất, và quan điểm của ASEAN trước mọi tranh chấp trong khu vực không được quyết định bởi bất kỳ cá thể đơn lẻ nào. Tranh chấp cũng sẽ không được giải quyết hiệu quả nếu chỉ có Mỹ và các đồng minh của Mỹ đối phó với những động thái ngang ngược của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ cần tích cực hơn trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN. Biến đổi khí hậu là một ví dụ. Chính quyền ông Obama đã có những bước tiến đáng chú ý khi tổ chức một cuộc đối thoại với Indonesia, quốc gia thải ra nhiều khí nhà kính nhất trong số các nước ASEAN. Để thực hiện được thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu đạt được tại Paris cuối năm 2015, sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ, Trung Quốc và toàn thể ASEAN là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Ngoài ra, hiện tại chỉ có bốn nước thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số người cho rằng những tác động kinh tế và thương mại mà TPP thúc đẩy sẽ không phù hợp với nỗ lực của ASEAN trong việc phát triển một cộng đồng kinh tế với một cơ sở sản xuất đồng nhất. Đặc biệt hơn, TPP sẽ kết nối chặt chẽ bốn thành viên ASEAN này với Mỹ và Nhật Bản, bỏ qua những thành viên khác.
Do đó, hơn bao giờ hết, Mỹ nên tích cực hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, và khuyến khích các thành viên ASEAN tham gia vào TPP. Hiện nay, ngoài bốn nước nêu trên, một số nước thành viên khác cũng tỏ ra khá quan tâm tới TPP. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công khai quan điểm ủng hộ TPP sau cuộc họp song phương với Tổng thống Obama vào cuối năm 2015. Philippines và Thái Lan cũng có dấu hiệu thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia TPP.
Tuy nhiên, việc gia nhập vào TPP sẽ không dễ dàng. Ngay cả 12 chính phủ đã tham gia vào TPP cũng đang gặp khó khăn trong quá trình phê chuẩn hiệp định quan trọng này. Mặc dù vậy, các cuộc thảo luận về việc kết nạp thành viên mới có thể diễn ra song song.
Có những điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa ASEAN và Mỹ. Một trong số đó chính là việc Mỹ quá quan trọng yếu tố dân chủ. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2015 tại Bangkok, dường như Mỹ tỏ ra khá lạnh nhạt với đồng minh Thái Lan. Do vậy, nếu Chính phủ hiện tại của Thái Lan cảm thấy bị Mỹ “ghẻ lạnh” thì rất có thể Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để ảnh hưởng tới Thái Lan nhiều hơn. Chính quyền Obama nên cân bằng cách tiếp cận của mình trong quan hệ với các nước ASEAN.
Tựu chung lại, để hợp tác Mỹ - ASEAN thực sự có hiệu quả, Chính quyền Obama không nên chỉ tập trung vào vấn đề Biển Đông. Mối quan hệ Mỹ - ASEAN phải được xây dựng trên một nền tảng rộng lớn hơn.