Hà Tĩnh đạt 45,005 điểm, xếp thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ nhất tại khu vực Bắc Trung bộ về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.
Ngày 14/4, tại Hà Nội diễn ra hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.
Theo công bố, Hà Tĩnh đạt 45,005 điểm, xếp thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ nhất tại khu vực Bắc Trung bộ, tăng 11 bậc so với năm 2019.
Các nội dung Hà Tĩnh được đánh giá cao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; quản trị điện tử.
Sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước tại Hà Tĩnh ngày được nâng cao (Ảnh: Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh).
Chỉ số PAPI gồm 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Một góc thị xã Kỳ Anh).
Theo thông tin vừa được công bố, Quảng Ninh là tỉnh xếp vị trí thứ nhất về chỉ số PAPI năm 2020 với 48,811 điểm, xếp thứ 2 là Đồng Tháp với 46,961 điểm, thứ 3 là Thái Nguyên với 46,471 điểm.
Có 8 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020 gồm: Thái Nguyên (tham gia người dân cấp cơ sở), Quảng Ninh (công khai minh bạch), Quảng Bình (trách nhiệm giải trình với người dân), Quảng Ninh (kiểm soát tham nhũng khu vực công), Trà Vinh (thủ tục hành chính công), Đồng Tháp (quản trị môi trường) và Đà Nẵng (quản trị điện tử).
Chương trình nghiên cứu chỉ số PAPI là nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay.
Chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh, thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo BHT