(Baohatinh.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Trong đó phấn đấu tiếp tục duy trì, cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2023 nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.
Người dân tra cứu thông tin qua hệ thống điện tử tại Trung tâm Hành chính công huyện Hương Sơn
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công tác CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn đột phá, triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử với lộ trình bước đi phù hợp.
Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.
Tiếp tục duy trì, cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC
Theo đó, kế hoạch yêu cầu nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành; tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo chất lượng các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC của tỉnh; 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ban hành kế hoạch CCHC năm 2023.
Hà Tĩnh phấn đấu tiếp tục duy trì, cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Phấn đấu tiếp tục duy trì, cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX) và các chỉ số có liên quan: Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) phấn đấu nằm trong nhóm 35 tỉnh, thành phố thực hiện tốt của cả nước.
Phấn đấu ít nhất có 3 sáng kiến (hoặc giải pháp mới) về CCHC áp dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thẩm định CCHC Trung ương. Tối thiểu 35% cơ quan, đơn vị được kiểm tra CCHC trong năm 2023; 100% các đơn vị, địa phương ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra CCHC các đơn vị trực thuộc, đảm bảo thực chất và đúng quy định.
Cải cách thủ tục hành chính
Tiếp tục triển khai thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 70%, 60%, 55% số hồ sơ tiếp nhận của cấp tỉnh, huyện, xã.
Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử.
100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình, trong đó tối thiểu 80% DVC trực tuyến được cập nhật lên cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính và công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% DVC trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến; 60% hồ sơ TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến.
Tối thiểu 70% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
100% quyết định công bố Danh mục và Quy trình nội bộ TTHC được xây dựng, soát xét, thẩm định công bố, công khai kịp thời theo đúng quy định pháp luật hiện hành. 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước được rà soát, công bố, công khai về Danh mục và Quy trình nội bộ. Tối thiểu 50% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 40% trở lên.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 85% trở lên.
Cải cách tổ chức bộ máy
Hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp đối với 100% đơn vị sự nghiệp công lập có phương án sắp xếp, kiện toàn theo Đề án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu năm 2023 giảm 1,2% biên chế công chức (28 biên chế công chức); giảm 2% biên chế viên chức (531 biên chế viên chức) so với năm 2022.
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
100% cơ quan nhà nước các cấp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% hệ thống cơ sở dữ liệu mới xây dựng của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh phải được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây. Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia.
Lãnh đạo Sở TT&TT và thành phố Hà Tĩnh tham quan khu vực chuyển đổi số của phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh
100% sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tạo lập và quản lý hồ sơ điện tử, trong đó tỷ lệ hồ sơ điện tử đạt tương ứng các cấp là 70% - 60% - 40% (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 80% báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình Chính phủ. Từng bước thực hiện hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Tối thiểu 73% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
100% cơ quan, đơn vị duy trì, cải tiến hệ thống tại các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu TCVN ISO 9001:2015; 15% đơn vị sự nghiệp cấp huyện, 62,5 % trường Trung học phổ thông công lập, 45% trường THCS công lập hoàn thành xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng năm 2023; xây dựng quy trình nội bộ dùng chung cho các cơ quan HCNN cấp tỉnh, huyện đáp ứng yêu cầu TCVN ISO 9001:2015, điện tử hóa 30% số quy trình đã xây dựng; thí điểm xây dựng và áp dụng hệ thống ISO điện tử tại 05 cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng mở rộng hệ thống quản lý chất lượng tại 25% UBND xã đạt chuẩn nông thôn mới.