Sáng 21/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chương trình 274 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW. Đồng chí Đặng Quốc Vinh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đồng chí Hồ Quang Minh – Giám đốc Sở Ngoại vụ đồng chủ trì Hội nghị.
Ngay sau khi Nghị quyết 22-NQ/TW được ban hành, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, ban hành nhiều văn bản, quyết định, chỉ thị liên quan đến hội nhập, đồng thời tập trung tuyên truyền để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình 274 của UBND tỉnh về hội nhập quốc tế, Hà Tĩnh đang ngày càng hội nhập sâu, rộng và tại chỗ. Việc vận động các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào tỉnh đã tạo đà cho sự phát triển và khơi dậy được các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ, làm cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Hồ Quang Minh: Đề nghị các bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ cán bộ của các địa phương, nhất là việc cập nhật thông tin mới, chuyên sâu trong lĩnh vực hội nhập, để việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO ở địa phương đạt chất lượng, hiệu quả.
Trong 2 năm 2014-2015, Hà Tĩnh đã tổ chức đoàn tiến hành xúc tiến đầu tư tại Singapore và Cộng hòa liên bang Đức; tổ chức làm việc với các tập đoàn, công ty lớn của các nước và cơ quan ngoại giao để quảng bá hình ảnh, nhu cầu thu hút đầu tư của tỉnh; cử đoàn lãnh đạo tỉnh đi nghiên cứu các mô hình hợp tác kinh tế, tham gia các đoàn công tác dự hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư tại các nước như Canada, Israel, Qatar, Trung Quốc...
Cũng trong 2 năm 2014-2015, Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới cho 500 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 116 dự án, trong đó có 107 dự án đầu tư trong nước, 9 dự án đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm 2016, Hà Tĩnh thu hút được 5 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 148 triệu USD.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Văn Lượng: Nên có đánh giá sâu hơn kết quả hội nhập quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực đối ngoại, kinh tế; nâng cao phương pháp, cách tiếp cận trong hội nhập quốc tế.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 23 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, 72 dự án NGO với giá trị viện trợ hơn 180 tỷ đồng. Các dự án đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giảm nghèo, giải quyết việc làm, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai và cải thiện môi trường.
Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh và phát triển sâu, rộng mối quan hệ hữu nghị với đối tác truyền thống với các tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn, (Lào); Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Bưng Càn (Thái Lan) và triển khai các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8, đường 12 (APOTC), các tỉnh, các nước trong Hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng Sông Mê Kông. Đẩy mạnh thiết lập quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam nhằm quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Hoàn thành Dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới (đến nay đã hoàn thành trên thực địa 61/61 vị trí mốc, cọc dấu và đã bàn giao cho các lực lượng hai bên quản lý). Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang từng bước thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn” do Chính phủ Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Lào, giao cho tỉnh Hà Tĩnh làm chủ dự án.
Trên lĩnh vực văn hóa tỉnh đã tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân Văn hóa thế giới.
Trong 02 năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã vận động hỗ trợ tỉnh một số hoạt động như dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài; tu bổ, phục hồi di tích Văn Miếu Hà Tĩnh...; đầu tư một số dự án về dịch vụ giải trí, du lịch... với số vốn đăng ký hơn 190 tỷ đồng.
Ngoài ra trong thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ, y tế, an ninh quốc phòng…
Phó BQL Khu kinh tế tỉnh Đặng Văn Thành: Tính chuyên nghiệp trong làm việc với đối tác nước ngoài còn hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tham gia các hoạt động đàm phán, xúc tiến đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá rút kinh nghiệm từ những kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế trong hội nhập quốc tế như: trình độ ngoại ngữ, kiến thức về hội nhập quốc tế của một số bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế; số lượng lao động có tay nghề cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và nhanh như hiện nay; năng lực và quy mô các doanh nghiệp của tỉnh còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh ghi nhận những kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 22 và Chương trình 274. Trong thời gian tới, việc triển khai nghị quyết tiếp tục đi vào các nhiệm vụ cụ thể hơn, với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó đòi hỏi nỗ lực lớn, quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sở ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về hội nhập quốc tế, các cơ hội và thách thức để thống nhất trong nhận thức và hành động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển sâu, rộng hơn mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống Lào, Thái Lan; xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước và thiết lập quan hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam...; đẩy mạnh vận động thu hút nguồn vốn ODA, NGO; hợp tác, đào tạo, chuyển giao trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ...