Đến nay Formosa vẫn đang tìm kiếm đối tác mới cho giai đoạn 2 của nhà máy thép tại Hà Tĩnh và chưa lựa chọn doanh nghiệp nào.
Formosa đã vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép từ 29/5.
Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan hôm thứ Ba cho biết tập đoàn này vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác mới để cùng đầu tư vào việc cải thiện hệ thống xử lý chất thải và mở rộng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (FHS), tờ Focus Taiwan đưa tin.
Sau sự cố môi trường năm ngoái, Formosa đã cam kết đầu tư thêm 1 tỷ USD trong 2 giai đoạn để cải thiện an toàn môi trường và nâng công suất của nhà máy thép này tại Khu Kinh tế Vũng Áng.
Đến nay, Formosa và các công ty con đã hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng Bảy. Formosa dự kiến phát hành cổ phiếu mới để huy động 500 triệu USD để đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án.
Tuy vậy, tập đoàn công nghiệp này vẫn đang tìm kiếm đối tác mới cho giai đoạn 2 và chưa lựa chọn doanh nghiệp nào.
Tờ Commercial Times hôm 1/8 đưa tin Formosa, cổ đông lớn của FHS, đã mời CTCP Hàng không VietJet (VJC) có trụ sở tại Hà Nội đầu tư vào giai đoạn 2 thông qua việc mua 4-5% cổ phần tại nhà máy này.
Commercial Times dẫn nguồn tại FHS cho biết việc VietJet Air tham gia vào dự án sẽ giúp củng cố quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Việt Nam, đồng thời giúp Formosa thâm nhập vào thị trường ASEAN.
Hiện 4 công ty con của Formosa nắm giữ khoảng 50% tại FHS. Ngoài ra, Tập đoàn China Steel, hãng sản xuất thép lớn nhất Đài Loan, và Tập đoàn JFE của Nhật Bản cũng có cổ phần tại nhà máy này.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 24/7, đại diện FHS cho biết, hiện tại tổng vốn đầu tư vào dự án là hơn 10,6 tỷ USD, dự kiến cuối năm sẽ tăng lên 11,6 tỷ USD.
Với việc khắc phục 52/53 lỗi (còn lại phương án chuyển đổi từ dập cốc ướt sang dập cốc khô) và đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, chất thải, Formosa đã vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép từ 29/5. Và đến ngày 20/7, đã sản xuất được gần 200.000 tấn thép thành phẩm.
Hiện nay, trung bình một ngày sản xuất được gần 4.000 tấn thép thành phẩm. Với dự án này, Việt Nam có nhà máy gang thép khép kín lớn nhất Đông Nam Á.